Thị trường trở nên tích cực hơn khi thông tin từ cuộc họp Quốc hội đang diễn ra cho biết Chính phủ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, chấp nhận lạm phát cao trong 5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc nới lỏng tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn từ 2010-2015 là 5,86%, mục tiêu tăng trưởng mới trong giai đoạn 2016-2020 sẽ là 6,5% - 7%. Theo số liệu cuối tháng 9, tổng cung tiền M2 mà ngân hàng nhà nước bơm ra thị trường tăng 7,96% so với đầu năm cho thấy tăng trưởng GDP trong năm nay đóng góp rất lớn từ nguồn cung tiền này, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Lạm phát sẽ duy trì trong khoảng 5-7%/ năm trong giai đoạn 5 năm tới, cho thấy lãi suất sẽ có thể tăng trở lại, các ngân hàng lớn sẽ hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này dù lãi suất cho vay luôn có độ trễ 2-3 tháng so với lãi suất huy động. Những ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG sẽ có rất nhiều lợi thế trong xu hướng này do nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu cao và các hoạt động thanh toán phần lớn diễn ra ở các ngân hàng này. Thạch quan sát thấy có 2 ngân hàng đáng đầu tư tại thời điêm này là VCB và CTG
VCB ( Mua – Giá mục tiêu 55.000): dù các chỉ số định giá theo P/B cho thấy VCB (2,4) đang ở mức cao nhất so với trung bình ngành là 1,3 lần trong năm 2015 và cao hơn các ngân hàng tương đương tổng tài sản là BID va CTG lần lượt có P/B là 1,7 và 1,2 lần. VCB là ngân hàng cải thiện doanh thu phí sản phẩm và dịch vụ trong nữa đầu năm, vượt cả MBB về mặt hiệu quả hoạt động, có tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất 31,0%.
Thu nhập nửa đầu năm của VCB tăng 21,7% trong đó đóng góp 24,7% tăng trưởng của hoạt động cho vay, 61,4% tăng trưởng hoạt động dịch vụ và 14,9% của hoạt động ngoại hối. Cả năm 2015, VCB đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ 2,1% lợi nhuận trước thuế tương đương 6.000 tỷ dù đã đạt 10,7% tăng trưởng trong nửa đầu năm.
VCB được các nhà đầu tư tổ chức ưa thích vì có tác động lớn nhất (nhì – VNM) đến chỉ số VNIndex, thanh khoản cao trong khi nhà đầu tư cá nhân theo đuổi VCB do thông tin không chính thức về việc chia thưởng 30% bằng cổ phiếu trong thời gian tới,
Ngân hàng Công Thương (CTG) có thể là ngân hàng đầu tiên Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%. Điều này đến từ phân tích trên nghị quyết ngày 7/3/2014 Chính phủ yêu cầu các NHTM đã cổ phần hóa duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước không thấp hơn 65%, trừ ngân hàng Công Thương Việt Nam. 4 ngân hàng lớn của nhà nước gồm VCB, BID, CTG và Agribank đang chiếm 45,94% thị phần huy động vốn; 50,35% thị phần cho vay và 45,75% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng ( số liệu cuối tháng 8/2015)
8/9 ngân hàng ( trừ BID) có báo cáo nợ xấu (NPL) cuối quý 2 giảm trung bình 2,08% so với 2,3% trong quý 1. Trong đó CTG và STB là hai ngân hàng có NPL thấp nhất trong hệ thống, lần lượt 1,5% và 1,2%.
CTG đang giao dịch tại P/B 2015 ước tính 1,45 lần, thấp hơn hai ngân hàng tương đương quy mô tài sản, có nhà nước nắm giữ chi phối là VCB, BID lần lượt có P/B 2,4 lần và 1,7 lần. Tại mức giá 21.100đ/cp, CTG giao dịch tại P/E 16,5 lần. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của CTG cuối quý 2 đang là 10,92% trên ngưỡng tối thiểu 9% và có thể giảm đi 1% theo tiêu chuẩn Basel II do vậy, khả năng rất lớn CTG cần tăng thêm vốn điều lệ bằng cách tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, và đây là điểm thị trường chứng khoán đang ưa thích.
Các ý kiến của nhà phân tích đều đồng thuận CTG đạt mức định giá hợp lý tại 19.000đ/cp ( tương đương – 9% so với mức giá hiện tại) nhưng nếu nhìn theo chỉ số P/B thì CTG có vẻ rẻ hơn VCB và BID. Trong quá khứ, CTG và BID thường giao dịch tại P/B tương đương nhau.
HHS ( Mua – Giá mục tiêu 19.600, P/E 2015 8 lần) – Nhà phân phối xe tải dẫn đầu
HHS là nhà phân phối xe tải lớn chiếm ¼ thị phần nhập khẩu xe tải và máy kéo Trung Quốc và đầu kéo Mỹ từ tháng 8/2015. HHS đang giao dịch tại P/E (sau khi pha loãng cổ phiếu) năm 2015 và 2016 lần lượt 7,4 và 7,3 lần. Thấp hơn nhiều lần so với định giá thị trường P/E 12,4 lần.
Kinh tế phục hồi, các hoạt động giao thương phát triển và luật giới nghiêm về tải trọng đã làm gia tăng doanh số bán xe tải trong những năm gần đây, HHS đã tận dụng xu hướng này và doanh số tăng trưởng trung bình 220% mổi năm trong giai đoạn 2012-2014.
Hiện đang có 4 công ty niêm yết cùng ngành với HHS, vừa là nhà phân phối và nhà sản xuất là: CMC, GGG, HAX, TMT và oto Trường Hải ( THACO) đang giao dịch OTC. Bảng dưới đây do các nhà phân tích MKE thu thập sẽ giúp nhìn rõ hơn vị thế của HHS trong ngành.
Theo tin tức mới nhất, Trường Hải Auto đề xuất tăng kịch trần thuế nhập khẩu ô tô tải do Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được loại xe này. Trường Hải củng đang tập trung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe tải hạng nặng. 9 tháng đầu năm 2015, công ty đã sản xuất và tiêu thụ 1.685 xe tải nặng, 104 xe ben nặng, 397 xe đầu kéo và 231 xe chuyên dụng. Các cộng ty sản xuất xe như TMT và Trường Hải sẽ là những công ty hưởng lợi nhất khi rào cản thuế quan làm hạn chế dòng xe nhập khẩu, và đây cũng là rủi ro trong dài hạn của HHS.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.