Giải mã khối ngoại bán ròng

Phiên 18-11 hôm qua, VN Index đã giảm 1,71 điểm xuống còn 603,34 điểm và cũng là phiên thứ 6 liên tiếp, khối ngoại bán ròng tại HOSE với giá trị bán ròng khoảng 392 tỷ đồng. Bán ròng nhiều phiên, nhưng lý do dẫn đến hành động này của khối ngoại rất khó xác định.

Có bán có mua

Trong 2 phiên 12 và 13-11, khi TTCK phục hồi từ 603 lên hơn 611 điểm, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại lên đến gần 250 tỷ đồng. Thống kê này có thể chỉ ra khả năng khối ngoại tiến hành chốt lời sau khi đã mua ròng trước đó. Sang đến các phiên từ 16 đến 18-11, đà bán có xu hướng giảm và ngày 18-11, khi VN Index về 603 điểm, tương ứng với mức điểm thấp nhất trong 10 ngày qua, đây cũng là phiên có giá trị bán ròng ít nhất với hơn 25 tỷ đồng tại HOSE.

Thực tế, nếu theo dõi động thái của khối ngoại tại từng CP sẽ thấy động thái mua-bán tương đối khác nhau, khi có CP NĐTNN bán cho nhau, có CP bị bán ròng, nhưng có CP cũng mua ròng. Đơn cử như trường hợp của PVS bị khối ngoại bán ròng hơn 290.000 CP trong 2 ngày qua dù kết quả kinh doanh 9 tháng vượt 31% kế hoạch năm. Nhưng khối ngoại lại có 3 phiên liên tiếp mua ròng NT2 với khối lượng khoảng 570.000 CP, trong đó phiên 18-11 NT2 tăng khá tốt và cũng là phiên được mua mạnh nhất với giá trị mua-bán 327.000 CP. Như vậy, hoạt động mua bán của khối ngoại vẫn diễn ra bình thường với một phần chênh lệch nghiêng về bên bán. Đi sâu tìm hiểu về nguyên nhân bán ra sẽ có 2 vấn đề cần xem xét:

Tháng 12 sắp đến cũng có thể xuất hiện nhiều kỳ vọng từ thông tin vĩ mô, đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều khả năng, trạng thái bán ròng của NĐTNN sẽ sớm đổi chiều trong những ngày tới đây.

Thứ nhất, thị trường đang trong giai đoạn lình xình nên khả năng khối ngoại có thể tranh thủ đảo danh mục, bán ra để tìm kiếm những CP mới giải ngân. Trường hợp Private Equity New Markets II K/S đăng ký bán 2 triệu CP HPG từ 20-11 đến 18-12 tới đây có thể là một điển hình. Hôm 17-11, CDH Electric Bee Limited cũng bán ra 4,4 triệu CP MWG để thu về khoảng 365 tỷ đồng.

Theo dõi một số blue chip khác cũng đã tăng giá mạnh trong thời gian qua, lực bán của khối ngoại cũng tăng lên đáng kể. Điều này có thể tác động đến giá CP nhưng lại tốt cho thị trường vì dòng tiền thu về có thể được sử dụng để tái đầu tư vào những CP khác. Thứ hai, dường như động thái của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) liên quan đến việc tăng hay không tăng lãi suất trong tháng 12 cũng được xem xét thận trọng. Và đây cũng là nguyên nhân khiến một số NĐT ngoại dè dặt. Tuy nhiên, điều quan tâm của TTCK Việt Nam lúc này là KQKD quý III-2015. Và xét trên tiêu chí này khối ngoại vẫn đang giải ngân tích cực vào những CP công bố KQKD khả quan.

Sẽ sớm đảo chiều?

Thống kê gần đây cho thấy, Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) đã có 6 tuần liền hút tiền kể từ tháng 10 đến nay, nghĩa là dòng tiền vẫn đang hướng đến TTCK Việt Nam. Vấn đề ở đây là cần có những thông tin hỗ trợ và một lý do để dòng tiền có thể chảy mạnh hơn nữa. Về mặt thanh khoản, thị trường trong khoảng 5 phiên gần đây đã đạt mốc giao dịch khoảng 3.000 tỷ đồng/ngày, đây được xem là tín hiệu quan trọng để thị trường có thể hút thêm tiền và tạo ra nhiều cơ hội sinh lời. Những ngày qua, theo dõi giao dịch của khối ngoại tại các blue chip thường mức giá mua vào của khối này khá thấp.

Tuy nhiên, khi dòng tiền tham gia thị trường nhiều hơn, đặc biệt khi giá CP về vùng hấp dẫn, gió có thể xoay chiều, bên mua nhiều khả năng sẽ trả rộng rãi hơn bởi nếu kì kèo sẽ có những dòng tiền khác tranh thủ mua vào. Khi thanh khoản tăng, dù khối ngoại có bán ra dòng tiền của thị trường cũng đủ sức cân lực bán của khối này và áp lực giảm giá cho CP cũng được hạn chế. Cần nhấn mạnh, điểm số của VN Index vào ngày 18-11 ở mốc 603 điểm cũng có thể xem là mức điểm hỗ trợ cho thị trường. Thực tế, đã có khá nhiều mã tăng trong phiên này và áp lực giảm điểm chủ yếu do một số blue chip.

Nếu trong 2-3 phiên sắp tới, VN Index vẫn trụ vững và bật lại vùng 610 điểm, trong khả năng bi quan nhất, thị trường sẽ trải qua giai đoạn đi ngang và dao động quanh vùng 600-610 điểm. Lúc này, tâm lý NĐT (cả NĐTNN) có thể chuyển từ thận trọng sang việc tích cực hơn để giao dịch, mua vùng giá thấp và bán giá cao để thu lãi trong ngắn hạn. Còn theo kịch bản lạc quan hơn, một đợt sóng tăng mới với cái đích 630-640 điểm dành cho VN Index có thể xuất hiện. Có nghịch lý ở đây là dù thị trường vẫn khá lình xình trong ngắn hạn với lý do thiếu thông tin hỗ trợ, nhưng việc dòng tiền tăng mạnh trong những ngày qua, dù thị trường giảm có thể là biểu hiện cho kỳ vọng một đợt sóng mới.

Một số phân tích, nhận định về TTCK trong quý IV-2015 đều đưa ra mức đỉnh khá tích cực và dòng tiền tăng lên 3.000 tỷ đồng/phiên như những ngày qua là minh chứng sống động. Nếu kịch bản này xảy ra, việc khối ngoại bán ròng trong thời gian gần đây giống như vài bước lùi, chuẩn bị, tái cơ cấu danh mục để đón đợt sóng cuối năm.