Giá xăng giảm, doanh nghiệp nào hưởng lợi ?

(NDH) Cùng với đà giảm của giá dầu thô thế giới, giá xăng trong nước đã liên tục giảm từ đầu quý 3/2014. Theo đánh giá của VCBS, một số công ty vận tải đường biển và đường bộ như PTS, HHG, VOS, MNC, VNS sẽ có những ảnh hưởng tích cực nhờ biến động này.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Vận tải biển thế giới và Ngân hàng thế giới, chi phí nhiên liệu chiếm tới 50%-60% tổng chi phí vận tải và khoảng 30% giá thành của hoạt động vận tải đường bộ.

Từ đầu quý 3/2014 tới nay, giá xăng R92 đã giảm 16,6% và dầu diesel giảm 115,7%. Vì vậy, một trong số những ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những biến động về giá xăng dầu là ngành vận tải.

Chi phí đầu vào được cắt giảm đáng kể nhưng giá cước vận tải trên thị trường lại có xu hướng đứng yên, cũng là do cơ chế và đặc điểm hoạt động của một số doanh nghiệp vận tải hành khách cũng không cho phép việc thay đổi giá cước thường xuyên. Như trường hợp của các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội thời gian gần đây do áp lực cạnh tranh mới rục rịch giảm giá cước.

Theo nhận định của VCBS, các doanh nghiệp có hoạt động vận tải là ngành kinh doanh chính, không cho thuê khoán đội xe đối với vận tải đường bộ và cho thuê định hạn dưới 50% trọng tải đội tàu đối với vận tải thủy như HHG, PTS, VOS, VNS, MNC, HCT được hưởng lợi ngắn hạn nhiều nhất từ giá nhiên liệu giảm đợt này.

Trong khi đó, các công ty hoạt động đa ngành, vận tải không phải là hoạt động chính hoặc cho thuê khoán đội xe, cho thuê định hạn phần lớn đội tàu biển như PVT, VIP, VTO, TCO, GTT, GMD, TJS sẽ không có nhiều ảnh hưởng tích cực.

Thống kê của VCBS của một số doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ giảm giá nhiên liệu

PTS, VOS là những doanh nghiệp vận tải đường thủy có chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn.

CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng - PTS: hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu đường sông, ven biển, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa tàu thủy. Lũy kế 9T.2014, doanh thu vận tải và sửa chữa tàu đạt khoảng 99 tỷ đồng, chi phí nguyên vật liệu khoảng 55 tỷ đồng, chiếm 51% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp giá nhiên liệu giảm 13% trong Q4 thì chi phí nguyên vật liệu giảm 2,7 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2014 LNST của PTS có khả năng đạt gần 3 tỷ đồng, EPS đạt 537 đồng/CP và P/E ở mức 9,7 lần.

CTCP Vận tải biển Việt Nam – VOS: là công ty vận tải biển hàng khô có quy mô lớn nhất với đội tàu gồm 20 tàu biển chủ yếu hoạt động chở chuyến quốc tế và nội địa. Chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 45% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Giá nhiên liệu giảm trong Q4 sẽ giúp VOS tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng so với Q3 và tăng khả năng đạt được lợi nhuận dương từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, cùng với việc bán tàu, nhiều khả năng VOS sẽ không tiếp tục thua lỗ trong năm nay và tránh bị hủy niêm yết.
Đối với vận tải đường bộ, Hoàng Hà, VinaSun và Mai Linh cũng là các doanh nghiệp có khả năng được hưởng lợi từ giá nhiên liệu đầu vào giảm.

CTCP Hoàng Hà (mã HHG –HOSE) lĩnh vực hoạt động chính của HHG là vận tải hành khách theo tuyến cố định từ Thái Bình đến Hà Nội, Quảng Ninh và Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động taxi tại địa bàn Thái Bình, Hưng Yên, hoạt động xe buýt tại Thái Bình. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu vận tải của HHG đạt 113 tỷ đồng, chi phí nguyên vật liệu đạt 57 tỷ đồng, chiếm 54% tổng chi phí sản xuất kinh doanh (trong đó trên 90% là chi phí nhiên liệu). Với giả định về hoạt động kinh doanh Q4 duy trì mức ổn định và chi phí nguyên vật liệu giảm 13% thì GVHB của HHG sẽ giảm khoảng 6,5% và theo đó LNTT có khả năng đạt 4 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ. Do đó, LNST năm 2014 dự báo đạt 8 tỷ đồng (+305% yoy), EPS ở mức 588 đồng/CP và P/E là 13,8 lần.

CTCP Ánh Dương Việt Nam – VNS: hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải taxi với gần 6.000 xe, tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ và Đà Nẵng. VNS có chi phí nhiên liệu khoảng 304 tỷ đồng trong Q3.2014, chiếm 34% tổng chi phí kinh doanh. Trong Q4, nếu giá nhiên liệu giảm 13% thì chi phí nhiên liệu sẽ tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng; LNST Q4 sẽ tăng lên và có khả năng đạt 140-150
tỷ đồng. Theo đó, EPS năm 2014 ở mức 6.189 đồng/CP và P/E ở mức 8,0 lần.

CTCP Mai Linh miền Trung – MNC: hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi tại thi trường miền Trung với khoảng 900 xe ô tô. Chi phí nguyên vật liệu trong Q3 đạt 45 tỷ đồng và chiếm 39% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Việc cắt giảm chi phí nhiên liệu sẽ góp phần làm cho lợi nhuận của MNC tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng trong Q4. Do đó, EPS năm 2014 có khả năng đạt 2.867 đồng/CP và P/E ở mức 5,1 lần.