Giá xăng còn rộng cửa tăng tiếp?

Giá xăng còn rộng cửa tăng tiếp?

(NDH) Sau khi giá xăng được Liên Bộ Tài chính-Công thương điều chỉnh tăng “sốc” tối ngày 5/5, nhiều người tiếp tục đặt ra nghi vấn liệu đà tăng của xăng đã chững lại hay chưa?

Giá xăng trong nước tăng chậm hơn giá thế giới

Hiện tại, có 2 biến số tác động đến giá xăng hiện tại là diễn biến của giá xăng dầu thế giới và thuế bảo vệ môi trường trong nước.

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít từ ngày 1/5, được coi là một biến số cố định.

Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá xăng 1.950 đồng/lít trong ngày 5/5 chủ yếu là do diễn biến tăng của giá xăng dầu thế giới – một biến số thường xuyên thay đổi.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong cơ cấu giá xăng bán lẻ của Việt Nam, giá nhập khẩu là một trong những yếu tố quan trọng, trong khi yếu tố này lại phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Và với cơ chế hội nhập, Việt Nam buộc phải tăng giá trong nước khi giá thế giới tăng.

Chốt phiên ngày 5/5/2015, giá dầu thô thế giới đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2015, trong đó dầu Brent chốt phiên ở mức 67,95 USD/thùng, còn dầu WTI ở mức 60,96 USD/thùng.

Theo tổng hợp của Người Đồng Hành, giá dầu WTI đã tăng 10,62 USD/thùng, tương đương mức tăng 18,5% kể từ đầu năm, còn dầu WTI tăng 7,69 USD/thùng, tương đương mức tăng 14,4% trong năm.

Trong khi đó, giá xăng (RON 92) của Việt Nam dù có 2 lần tăng rất mạnh là hơn 1.600 đồng/lít vào ngày 11/3 và gần 2.000 đồng/lít trong lần gần đây nhất, nhưng tổng mức tăng từ đầu năm đến nay mới chỉ là 1.350 đồng/lít, tương đương 7,6%.

Sở dĩ tốc độ tăng giá xăng trong nước chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng giá xăng dầu của thế giới trong thời gian vừa qua là do Liên Bộ Tài chính-Công thương gần đây đã liên tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ bình ổn giá.

Cụ thể, trong đợt điều hành ngày 5/2, Liên bộ đã giữ nguyên giá xăng dầu, trong khi giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu với mức giảm từ 800/lít xuống 340 đồng/lít xăng, từ 800/lít xuống 520 đồng/lít dầu, và từ 800/kg xuống 270 đồng/kg dầu mazut.

Trong đợt điều chỉnh ngày 24/2, Liên bộ quyết định không thay đổi giá bán lẻ xăng dầu, trong khi chi sử dụng Quỹ BOG với mức chi là 2.448 đồng/lít xăng, 1.350 đồng/lít dầu diesel, 1.693 đồng/lít dầu hỏa, và 2.015 đồng/lít dầu mazut.

Ngày 11/3, Liên bộ tăng giá xăng dầu từ 700-1.600 đồng/lít,kg, kết hợp với việc chi sử dụng Quỹ BOG với mức chi 1.852 đồng/lít xăng, 888 đồng/lít dầu diesel, 837 đồng/lít dầu hỏa, và 927 đồng/lít dầu mazut.

Ngày 26/3, giá xăng dầu lại được giữ ổn định, nhưng Liên bộ phải chi Quỹ BOG với mức chi là 1.020 đồng/lít xăng, 5 đồng/lít dầu diesel, trong khi ngừng chi với dầu hỏa và dầu mazut.

Ngày 13/4, Liên bộ trong khi giữ ổn định giá xăng dầu lại quyết định chi Quỹ BOG với mức chi là 991 đồng/lít xăng, 134 đồng/lít dầu diesel, 217 đồng/lít dầu hỏa và 383 đồng/kg dầu mazut.

Và trong đợt điều chỉnh mới nhất này, nếu Liên bộ không chi sử dụng Quỹ BOG 1.437 đồng/lít đối với xăng khoáng, thì giá xăng có lẽ đã tăng tới 3.300 đồng/lít thay vì 1.950 đồng/lít, vì giá cơ sở của mặt hàng xăng cho kỳ tính ngày 5/5 đã cao hơn 3.387 đồng/lít so với giá bán kỳ trước.

Giá dầu thế giới có nhiều khả năng tăng tiếp

Trong thời gian tới, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ biến động theo giá xăng dầu thế giới. Trong khi đó, các yếu tố cơ bản lẫn kỹ thuật đều có vẻ đang hỗ trợ cho giá dầu.

Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, Ảrập Xêut vừa tăng giá bán dầu thô ngọt nhẹ của nước này cho Mỹ và Tây bắc Âu, cho thấy nhu cầu dầu mỏ của các khu vực này có thể đang tăng lên.

Bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra tại Trung Đông: các cảng xuất khẩu dầu mỏ của Libya bị tác động bởi các cuộc biểu tình, liên quân do Ảrập Xêut dẫn đầu vẫn chưa chấm dứt chiến dịch đánh bom vào nhóm phiên quân Houthi tại Yemen.

Giá dầu cũng đang được thúc đẩy khi đồng USD đã có tuần giảm giá thứ tư liên tiếp, và khi Viện xăng dầu Mỹ (API) công bố lượng dầu thô lưu kho của Mỹ đã giảm 1,5 triệu thùng trong tuần trước – lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, số liệu giao dịch từ các quỹ phòng ngừa rủi ro và các công ty quản lý quỹ cho thấy họ có vẻ đang lạc quan về thị trường dầu mỏ nhiều nhất kể từ tháng 7/2014, sau khi giá dầu Brent đã tăng 20% trong tháng 4/2015, còn dầu WTI tăng 25%.

Về kỹ thuật, giá dầu đang phục hồi mạnh từ mức thấp đang thúc đẩy nhà đầu tư mua vào trong vài tuần qua.

Xét về yếu tố kìm hãm thị trường, số giàn khoan dầu tại Mỹ được công bố đã giảm xuống còn 679 giàn vào tuần trước từ mức 1.527 giàn của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ucraina đang tạm thời lắng dịu.