Sáng nay 15/4, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố báo cáo doanh nghiệp thường niên và diễn đàn phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã mổ xẻ thực trạng và thách của các doanh nghiệp trong khâu chăn nuôi.
Theo VCCI, khâu chăn nuôi vẫn dường như chưa thu hút được sự quan tâm của DN. Tính đến năm 2013 ngành chăn nuôi mới chỉ thu hút được hơn 400 doanh nghiệp.
Trong chăn nuôi chủ yếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đa số (91.8%). Trong khi doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 4,6% quy mô nhưng có quy mô lớn, chiếm tới hơn 45% về thị phần doanh thu.
Khái quát lại sự phát triển của doanh nghiệp trong các giai đoạn, theo báo cáo thì từ năm 2007-2009 doanh nghiệp chăn nuôi có mức tăng trưởng nhanh đạt 25%/năm nhưng đã tăng trưởng chậm lại vào giai đoạn 2010-2013 (đạt 8,1%/năm).
Trong 396 doanh nghiệp của ngành chăn nuôi có 246 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ thịt và 150 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sữa.
Theo đánh giá của VCCI, ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều thách thức phát triển trong giai đoạn hiện nay:
Một là, năng lực doanh nghiệp chăn nuôi yếu: Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi có quy mô nhỏ và vừa, cạnh tranh thấp. Ý thức chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm chỉnh. Quy mô còn manh mún, thiếu tính liên kết về sản xuất và tiêu thụ.
Thứ hai, thị trường thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc: Hiện nay thị trường thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Các tên tuổi đang thống lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi phải kể đến là: C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ), New Hope (Trung Quốc), Emivest (Maylasia)…
Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2014 nhập khẩu lúa mỳ đã đạt 1,08 triệu tấ, tăng gần 2,4 lần. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đạy 1,95 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó các yếu tố dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc thiếu con giống cũng là một khó khăn lớn của ngành chăn nuôi đang phải đối mặt. Việc thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm…là một bài toán lớn của ngành chăn nuôi.
Một trong những thách thức lớn mà các chuyên gia của VCCI cảnh báo đó là sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu thịt của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2013. Cụ thể, tháng 1/2014 đạt 18,1 triệu USD tăng 4,85%, tháng 4 đạt 15, 8 triệu USD, tăng 13,9% và tháng 5/2014 đạt 18, 68 triệu USD tăng 51,8%.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2014, số lượng nhập khẩu thịt đạt 89,25 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ.
"Ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn khi trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ ký kết TPP và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Khi đó thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ về 0%”, báo cáo đánh giá.
Theo đó, mặc dù thuế nhập khẩu thịt hiện nay vẫn có mức cao nhưng số lượng nhập khẩu mặt hàng này không ngừng tăng do nhu cầu tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Cụ thể, hiện nay thuế suất các mặt hàng thịt vào VIệt Nam: thịt bò từ 14-30%, thịt lợn từ 15-25%, thịt gà từ 15-40%, các loại thịt khác từ 5% trở lên…
Đánh giá về những thách thức này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết cần phải khắc phục khó khăn bằng cách tăng cường liên kết, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, đặc biệt làm sao để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Nông nghiệp chiếm 20% GDP nhưng chỉ có 1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đây là sự bất hợp lý. Nông nghiệp đang chờ đợi một cuộc bứt phá. Đột phá kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn này sẽ là doanh nghiệp chứ không phải kinh tế hộ gia đình như trước kia, sự đột phá lần này gắn với công nghệ cao, gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lộc phát biểu.
Riêng về thách thức của ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP, AFTA ông Lộc cho biết việc hội nhập ngành này được ưu thế, ngành kia lép vế là chuyện thường. Hội lực là động lực, áp lực để tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngành.