Mới đây, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC – HoSE) công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2015 và dự báo kết quả kinh doanh năm 2016 rất khả quan. Cụ thể, năm 2016, công ty dự kiến doanh thu 3.375 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 10% so với năm 2015.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản từ đầu năm đến nay, những con số tăng trưởng của FMC quả là “ngược dòng” khi ngay cả những ông lớn cũng “ngã ngựa”.
Liên tục mở rộng thị trường
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2015, Tổng cục Hải quan thống kê kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,72 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại với tình hình chung của ngành, trong 11 tháng, FMC đạt 11.127 tấn tôm thành phẩm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số đạt 121,8 triệu USD, bằng 97% so với cùng kỳ.
FMC bán tôm thành phẩm tới 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc và Singapore, trong đó Nhật Bản và Hoa Kỳ là 2 thị trường chính. Theo kết quả công bố cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), FMC lại là doanh nghiệp có mức thuế 0%, trong khi một số doanh nghiệp lớn lại có mức thuế cao như Thủy sản Minh Phú (1,39%), Thuận Phước Corp (1,16%)...
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc FMC cho biết, FMC cũng có chuyển hướng cơ cấu lại thị trường dựa trên cơ sở tận dụng ưu thế chung của Việt Nam. Qua năm 2016, FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, thuế tôm Việt Nam vào EU bằng 0%, trong khi tôm Thái Lan vào EU còn hơn 10% (Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường tôm cao cấp EU).
Vì vậy, FMC đang tăng cường bán qua EU, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hàng FMC vào EU đã là 13%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 7%. Ngoài ra, FMC cũng sẽ tăng cường bán hàng vào Hàn Quốc (thuế 0% vì có FTA) và Canada (không bị kiện bán phá giá).
Ưu thế về giá và năng lực tài chính
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận gộp của FMC đạt 194 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Theo VCBS, giá tôm nguyên liệu trong xu hướng giảm trong khi giá bán các hợp đồng đã ký vẫn được giữ nguyên. Ngoài ra, FMC tăng cường nhập khẩu tôm bán thành phầm từ Indonesia, Ấn Độ - 2 nước có chính sách thả nổi tỷ giá trong khi Việt Nam chủ trương ổn định tỷ giá. Do đó, khi đồng USD tăng mạnh, FMC vẫn mua được nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của FMC vẫn âm, ở mức âm 22,4 tỷ đồng do tồn kho tăng 15%, các khoản phải thu cũng tăng tới 55%. Con số nhỏ hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước (âm 295,6 tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 9/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 123 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG - HoSE) là công ty mẹ nắm giữ 53,5%, tương đương 10,7 triệu cổ phần FMC. Từ khi có cái "bắt tay" với HVG, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của FMC có vẻ được cải thiện hẳn.
Ngay trong quý III/2015 - quý đầu tiên mà HVG nâng sở hữu tại FMC lên hơn 50%, lợi nhuận của FMC đã được cải thiện đáng kể. Tình hình khả quan còn được công ty dự kiến tạm thời đến hết năm 2016 với kết quả doanh thu, lợi nhuận tăng lần lượt 15% và 10%.
Ngoài ra, HVG có quy trình sản xuất khép kín, đó là ưu điểm đem lại cho FMC, giúp FMC trong việc chú trọng tới các sản phẩm tôm qua chế biến, có giá trị gia tăng thay vì xuất khẩu tôm đông lạnh như các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Ông Lực cũng cho biết thêm, thách thức của ngành tôm không nằm ở khu vực chế biến, vì trình độ chế biến tôm chung của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Thách thức thuộc lĩnh vực nuôi, đó là nuôi tôm sạch và giá thành thấp. Các yếu tố đầu vào trong nuôi tôm hàng năm tăng đều (trong khi giá đầu ra giảm mạnh trong năm nay).
Tăng trưởng có tiếp tục bền vững đến 2016?
Theo kế hoạch, năm 2016, FMC dự kiến doanh thu, LNTT tăng lần lượt 15% và 10% so với năm 2015. Trong khi đó, VCBS giữ nguyên mức dự phóng cho FMC năm 2015 với doanh thu và LNST đạt lần lượt 2.764 tỷ đồng (giảm 4% cùng kỳ năm trước) và 91,1 tỷ đồng (tăng 45%).
VCBS dự báo, trong năm 2016, giá tôm sẽ tăng nhẹ và FMC có thể sẽ mất lợi thế ở nguồn tôm nguyên liệu giá rẻ trong dài hạn. Ngoài ra, theo VCBS, vùng nuôi của FMC chỉ đạt diện tích 250 ha và cung cấp 5% nguồn nguyên liệu cần thiết cho chế biến có thể dẫn đến rủi ro trong thiếu hụt nguyên liệu và tăng giá vốn hàng bán khi giá tôm nguyên liệu lên cao so lệ thuộc nhiều vào nguồn cung nước ngoài.
Về triển vọng, VCBS đánh giá FMC vẫn tiếp tục có khả năng tăng trưởng tốt về doanh thu do tăng sản lượng khi nhu cầu tôm phục hồi ở các thị trường và sự thúc đẩy từ các hiệp định TPP và FTA cũng như mức thuế 0%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của FMC sẽ tăng do không tự chủ được nguồn nguyên liệu trong khi giá tôm nguyên liệu có thể đảo chiều và khiến biên lợi nhuận gộp giảm dần.