ETF vẫn rót ròng hơn 150 triệu USD vào TTCK Việt Nam năm 2014

(NDH) Nếu như các năm trước thị trường bị ảnh hưởng rất mạnh bởi động thái giao dịch của các quỹ ETF thì năm 2014 sức ép của các quỹ ETF đã hạ nhiệt, thay vào đó là sự rút vốn chủ động của các quỹ lâu năm và sự xuất hiện của một số quỹ mới.

Một con số thống kê trên thị trường niêm yết cho thấy năm 2014 khối ngoại rót ròng hơn 3.720 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam (173,8 triệu USD), trong đó họ mua vào 2,3 tỷ cổ phiếu, trị giá 75.019 tỷ đồng (3,5 tỷ USD) và bán ra hơn 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng 71.287 tỷ đồng (3,33 tỷ USD).

Con số này chưa bao gồm các thỏa thuận ngoài sàn như ANZ bán 17,5% cổ phần tại SSI, Mondelez mua 80% cổ phần của công ty Kinh Đô Bình Dương, Standard Chartered chi 90 triệu USD mua 36% cổ phần tại Bảo vệ Thực vật An Giang từ Vinacapital và DWS….

Nếu như các năm trước thị trường bị ảnh hưởng rất mạnh bởi động thái giao dịch của các quỹ ETF thì năm 2014 sức ép của các quỹ ETF đã hạ nhiệt, thay vào đó là sự rút vốn chủ động của các quỹ lâu năm và sự xuất hiện của một số quỹ mới.

Một thống kê trên Bloomberg cho thấy khối ngoại rót ròng gần 134 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong năm 2014, con số này đã có lúc lên tới hơn 300 triệu USD (hơn 6.400 tỷ đồng) vào ngày 29/7/2014 nhưng chỉ sau 5 tháng cuối năm, khối ngoại bán ròng rã 165,5 triệu USD (tương đương hơn 3.540 tỷ đồng). Dòng vốn ngoại đã có dấu hiệu cải thiện trong 2 tuần cuối năm nhưng mức mua ròng không đáng kể.


Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại năm 2014 (Nguồn: Bloomberg)

Nếu tính 2 quỹ Market Vector và FTSE, trong năm 2014 nhà đầu tư rót ròng vào 2 quỹ này 150,6 triệu USD, nếu so sánh với số liệu ở trên cho thấy hoạt động rút vốn của khối ngoại chủ yếu đến từ các quỹ đóng.

Hiện có 3 quỹ ETF nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là Market Vector Vietnam ETF (gọi tắt là VNM), FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE) và iShare MSCI Frontier 100 ETF (gọi tắt là iShare). Trong khi VNM có giá trị tài sản ròng 466 triệu USD, đầu tư 70% tài sản vào thị trường Việt Nam, FTSE có NAV hơn 355 triệu USD đầu tư 100% vốn vào thị trường Việt Nam, trong khi đó iShare có NAV khoảng 524 triệu USD nhưng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục chỉ 3,64% (19 triệu USD) do đó iShare chưa được NĐT nội để ý bằng 2 quỹ ETF đình đám kia.


Tỷ trọng cổ phiếu các nước trong danh mục iShare MSCI Frontier 100 ETF

Có 5 cổ phiếu Việt Nam trong danh mục 97 cổ phiếu của iShare là VIC, MSN, VCB, STB, PVD trong đó VIC chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm cổ phiếu Việt Nam.


Danh mục cổ phiếu Việt Nam trong iShare (số liệu 2/1/2015)

Đối với VNM, trong năm 2014 quỹ này vẫn được rót ròng khoảng 94,6 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), số chứng chỉ quỹ tăng từ 20 triệu đơn vị lên 24,85 triệu đơn vị vào cuối năm. Đã có thời điểm số chứng chỉ quỹ của VNM đạt đỉnh 27,5 triệu đơn vị nhưng trong vòng 3 tháng kể từ cuối tháng 9/2014 đến tháng 12/2014, VNM bị bán ròng 2,65 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương bị rút ròng khoảng 49,7 triệu USD (1.063 tỷ).

Số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành của VNM

Trong năm 2014 VNM có 4 kỳ cơ cấu danh mục trong đó quý 1 quỹ này thêm MSN, PVT và loại HPG do HPG gần hết room, đến quý II quỹ này không thêm bớt cổ phiếu nào song tăng mạnh tỷ trọng STB, quý III thêm FLC,IJC và loại GMD, quý 4 thêm SSI và loại 2 cổ phiếu nước ngoài

Nhìn chung trong năm qua những nhà đầu tư "đu" theo giao dịch của ETF đều không đạt được lợi nhuận cao như những năm trước. Hoạt động bắt bài trước giao dịch của ETF gần như không thành công do (i) thị trường đã hành động trước và hầu như quý nào bộ phận phân tích các CTCK đều đã dự báo gần như chính xác, (ii) các quỹ ETF đã khôn khéo hơn trong việc giải ngân.

Danh mục cuối năm của VNM như sau:

Trong đó VIC vẫn là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VNM (7,98%, tương đương 16,42 triệu cp), tiếp theo là MSN (9,52 triệu cp), VCB (23,32 triệu cp), STB (35,7 triệu cp)...

Trong tuần đầu năm 2015, khối ngoại tiếp tục rót ròng vào quỹ Market Vector 300.000 chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 5,6 triệu USD.

Đối với quỹ FTSE, trong năm 2014 nhà đầu tư rót ròng vào quỹ này khoảng 56 triệu USD (mua ròng 2 triệu chứng chỉ quỹ). Trong khi NĐT tại quỹ Market Vector phản ứng ngay khi VN-Index điều chỉnh giảm (tạo đỉnh vào tháng 9/2014) và rút vốn ngay từ cuối tháng 9/2014 thì trong suốt tháng 10 và 11, NĐT tại quỹ FTSE vẫn đổ tiền ròng rã vào quỹ này. NĐT chỉ bắt đầu rút ròng từ đầu tháng 12/2014 với lượng rút ròng khoảng 2,6 triệu USD.

Tuần đầu tháng 1, số lượng chứng chỉ quỹ của FTSE vẫn giữ nguyên.