Đừng nghĩ đến Bill Gates, Steve Jobs nữa, còn nhiều cách làm giàu khả thi hơn

Đừng nghĩ đến Bill Gates, Steve Jobs nữa, còn nhiều cách làm giàu khả thi hơn

Nếu bạn ít vốn, không hiểu biết gì về công nghệ thì hãy tạm quên Steve Jobs hay Bill Gates đi, vẫn còn những cách làm giàu khả thi hơn nhiều.

Không ai có thể phủ nhận Bill Gates hay Steve Jobs là những tấm gương chói sáng về khát khao làm giàu và cách thức họ thực hiện mơ ước của mình thật đáng nể. Nhưng sự thực là cả thế giới này cũng chỉ có một Bill Gates hay một Steve Jobs mà thôi. Với tỷ lệ hàng tỷ người, khả năng bạn có thể trở thành tỷ phú USD nhờ việc phát minh ra máy tính - thay đổi cả thế giới hay làm hồi sinh một hãng công nghệ nhờ đi trước cả tương lai là vô cùng vô cùng nhỏ.

Vậy sao không bắt đầu bằng những triệu phú "nhỏ bé" hơn, họ có thể chẳng có chút tiếng tăm nhưng tài khoản trong ngân hàng và cuộc sống sung túc của họ là hoàn toàn có thật. Và hành trình trở thành tỷ phú có khi bắt nguồn từ những mong muốn - ý chí - hành động rất nhỏ mà thôi.

Trong cuốn sách Triệu phú thầm lặng - Silent Millionaire, Dr.Surly Abdullah PhD đã liệt kê ra một loạt những trường hợp triệu phú làm giàu từ "vỉa hè". Có thể từ những chiếc bàn nhựa ở chợ đêm, những ổ bánh mì làm từ chiếc lò nướng duy nhất được mua từ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi hay "xưởng sản xuất" là cái sân sau nhà, nhưng họ vẫn trở thành những triệu phú với tài khoản ngân hàng có dãy số đáng mơ ước, ở nhà vườn và lái xe sang.

Không ai ở Kualar Lumpur mặc cả khi mua hàng giá 1 RM

Diyono Santoso - một người Indonesia từng phải nhảy xuống biển để tự bơi vào bờ để nhập cư vào Malaysia sau khi người mẹ của anh chấp nhận bán hết đất ở nhà để có tiền cho con trai bước vào hành trình thay đổi cuộc đời của mình.

Nhưng việc làm giàu không đơn giản như việc chờ "một quả táo rụng xuống trúng đầu", sau 1 năm trời làm công tại cánh đồng dầu cọ tại Perak mà không được trả lương, Diyono quá tuyệt vọng và đi cùng bạn bè tới Kuala Lumpur.

Với kinh nghiệm từng bị lừa suốt cả năm trời, lần này Diyono để dành thời gian quan sát rồi mới đưa ra quyết định. Anh đã phát hiện được 3 điều:

- Mọi người ở Kuala Lumpur đều có tiền dù ít hay nhiều, không có ai "vô sản".

- Không ai ở Kuala Lumpur mặc cả khi mua hàng có giá 1 RM (xấp xỉ 0,27 USD) vì đó được coi như đồ rẻ rúm, trẻ con cũng mua được.

- Bạn có thể bán bất cứ thứ gì ở đây chỉ cần thuyết phục được người mua về sự hữu dụng.

Những phát hiện này đã giúp ích rất nhiều cho Diyono. Anh quyết định thuê một điểm bán nhỏ ở gần khu ẩm thực để bán sữa đậu nành và red cendol (một loại đồ uống gồm sữa dừa, siro và thạch đỏ) vào buổi tối. Ngày đầu tiên dù còn ế khá nhiều nhưng cũng giúp anh thu về khoảng 100 RM.

Sau 2 năm, Diyono có tổng cộng 7 gian hàng và có thể thu về tới 21.000 RM mỗi tháng (gần 6.000 USD - một con số mà tới các vị trí cao trong một công ty cũng phải mơ ước).

Sau này, Diyono đã sang nhượng số gian hàng của mình cho một người Indonesia nhập cư khác với giá 100.000 RM và trở về Indonesia với số tiền 400.000 RM - hơn 10,8 triệu USD. Vậy là Diyono đã trở thành triệu phú đô la chỉ với quầy bán sữa đậu nành.

Giày Reebook và khóa học làm bánh, bạn chọn cái nào?

Mat Ali và Samad - hai thanh niên vừa tốt nghiệp từ Kuala Lumpur đến Kelantan (Malaysia) để tìm việc. Sau hai tuần, họ được nhận vào làm việc tại một siêu thị với mức lương là 700 RM/tháng. Công việc chính của họ mỗi ngày là bóc mở kiện hàng và bày lên kệ, cân và đóng gói cá, rau củ cho siêu thị.

Mat Ali với mong muốn trở thành một chàng trai thành thị sành điệu, đã dùng tháng lương đầu tiên của mình để mua một đôi giày Reebook, tháng lương thứ 2 để mua quần bò Levi's và tháng lương thứ 3 để mua một chiếc Nokia đời mới khi đó.

Trong khi đó, Samad mỗi tháng gửi 100 RM về cho mẹ và chi tiêu tiến kiệm, số còn lại cậu gửi ngân hàng. Quá trình làm việc tại siêu thị, Samad bị hấp dẫn bởi mùi thơm và kiểu dáng những chiếc bánh mỳ tại cửa hàng gần đó. Và rồi ước mơ có một nhà máy sản xuất bánh mỳ hình thành trong tâm trí cậu.

Tuy nhiên, ngay cả việc bắt đầu làm một chiếc bánh mỳ thôi cũng không hề dễ dàng bởi Samad nhận ra việc tự học làm bánh mỳ gần như không thể. Và cơ hội đến khi khóa học dạy làm bánh ở gần siêu thị Samad làm có buổi dạy làm bánh mỳ.

Sau khi học được những kỹ thuật cơ bản để làm bánh, Samad dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để mua một chiếc lò nướng và những dụng cụ làm bánh mỳ cần thiết. Mỗi ngày sau khi hết giờ làm cậu đều luyện tập làm bánh mỳ, cho tới khi những chiếc bánh của cậu được bạn bè ăn thử cho lời khen. Nhờ chất lượng bánh mà Samad có thể bán bánh mình làm cho 1 vài cửa hàng và căng tin trong trường.

Sau đó, Samad đi học cách đóng gói và bảo quản bánh, nhờ vậy mà cậu có thể bán bánh mỳ của mình cho 3 trạm xăng gần đó. Dần dần bánh của Samad trở nên quen thuộc với người dân trong vùng, doanh số bán hàng tăng giúp cậu có đủ tiền mua thêm 2 chiếc lò nướng và một chiếc máy trộn bột đa năng vài tháng sau đó.

Với những "đồ nghề" này, Samad có đủ khả năng để tăng số lượng bánh làm ra và bán thêm cho 2 tiệm tạp hóa, nâng số khách hàng của cậu lên 7 cửa hàng. Samad bỏ việc tại siêu thị và mua một chiếc xe tải cũ để tập trung cho công việc kinh doanh của mình. Mỗi ngày, Samad thu về từ 700 - 800 RM.

Nửa năm sau, khi Mat Ali tới thăm bạn mình, cậu phát hiện ra rằng, trong khi mình còn chưa sắm nổi chiếc xe máy thì Samad đã ở trong một căn hộ 3 phòng tiện nghi với điện thoại, máy tính tự sắm.

Bạn vẫn thường tự hỏi, tại sao mình không giàu có bằng người này, tại sao người kia trẻ tuổi hơn nhưng lại thành công hơn? Và bạn cho rằng đó là vì họ may mắn hơn, "tốt số hơn"?

Thực tế cũng không hẳn như vậy, trừ một số ít người sinh ra đã có cha mẹ giàu có, có nhiều đất nằm trong khu vực giải tỏa để có thể được tiền từ "trên trời rơi xuống", đa phần những người giàu có đều phải tự lực cố gắng và phấn đấu không ngừng. May mắn không tự nhiên mà có, nó chỉ đến với những người biết "học hỏi kiến thức đúng đắn" như từ Luck là sự kết hợp của 4 chữ: Learn Under Correct Knowledge.

Xem thêm:Tỷ phú Mark Cuban: Không có 'phím tắt' để trở nên giàu có