Đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng càphê trên thế giới ngày càng tăng cao, đồng thời các chuyên gia dự báo nguồn cung càphê của thế giới vẫn hạn chế trong năm 2015, ngành càphê Việt Nam đang tự tin hướng đến ngôi vị chi phối thị trường cà phê thế giới trong những năm tới.


Việt Nam hiện là nước xuất khẩu càphê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, Việt Nam xuất được 1,73 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về lượng và 32,2% về giá trị so với năm 2013. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành nước xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội vàng ấy trở thành hiện thực, ngành càphê Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức nhất định, một trong số đó chính là hiện trạng cây cà phê già cỗi tại các tỉnh Tây Nguyên.

Một số thống kê cho biết, diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi nay đã chiếm hơn 20% trên toàn Tây Nguyên, nâng diện tích phải trồng mới trong 19 năm tới khoảng 140-150 nghìn hecta. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của ngành cà phê Việt Nam hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt càphê và cả đời sống của nông dân.

Vườn cà phê của ông Trần Văn Thanh, khối 3, Quảng Phú, Cư Mgar, Đăk Lăk.(Nguồn: Nestlé)

Để góp phần giải quyết hiện trạng đó, tập đoàn Nestlé Thụy Sĩ đã triển khai dự án Nescafé Plan tại Việt Nam vào năm 2011, bao gồm tập hợp các cam kết của công ty về hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu dùng cà phê có trách nhiệm.

Theo số liệu từ dự án này, tổng số cây giống mà dự án hỗ trợ cho nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai cho tới cuối năm 2015 sẽ lên tới 11 triệu cây, trong đó Nestlé hỗ trợ 50% giá giống.

Dự án này đặc biệt có ý nghĩa bởi diện tích cây già cỗi trên 20 năm tuổi, chỉ cho năng suất bằng 50% ở Tây Nguyên, hiện chiếm hơn 20%.

Song song với đó, từ năm 2011 đến 2014, Nestlé Việt Nam đã tổ chức các buổi tập huấn cho hơn 20.000 nghìn nông dân để thúc đẩy thực hành canh tác tốt.

Chị Trần Thị Mai, thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông-Gia Lai. (Nguồn: Nestlé)

Bên cạnh đó, cùng với Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và các đối tác khác, Nestlé tham gia vào dự án Hợp tác Công tư (PPP) về nông nghiệp, trực thuộc nhóm phát triển cà phê bền vững.

Sáng kiến về PPP được đưa ra tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2010 với tầm nhìn mới về nông nghiệp cho các quốc gia tại Đông Nam Á.

Mô hình PPP trong nông nghiệp mà đặc biệt là với cây càphê tại Việt Nam được xem là thành công, bên cạnh những mô hình như trồng cacao ở Indonesia.

Với việc triển khai các vườn cà phê mẫu và mô hình tổ chức nông dân, PPP đang ngày càng tác động tích cực và góp phần cải thiện phương thức sản xuất cà phê của nông dân Việt Nam theo hướng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Nandu Nandkishore, Phó Chủ Tịch phụ trách khu vực Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi tập đoàn Nestlé. (Nguồn: Nestlé)


Theo ông Nandu Nandkishore, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi tập đoàn Nestlé cho biết "Nestlé, bằng các hoạt động thiết thực cho ngành cà phê, sẽ tiếp tục chinh phục mục tiêu cuối cùng của mình chính là đưa Việt Nam trở thành 'tham chiếu' khi nhắc đến hạt cà phê Robusta"./.

Hiện Nestlé là nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam với 25% tổng sản lượng. Sản lượng thu mua chủ yếu để cung cấp cho nhà máy Nestlé Trị An để sản xuất các sản phẩm Nescafé cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Và mới đây, Nestlé tiếp tục đầu tư thêm 80 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine đầu tiên ở Việt Nam tại Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa (Đồng Nai).

Hạt cà phê khử caffeine sau khi sản xuất sẽ được xuất khẩu tới các nhà máy của Nestlé trên toàn thế giới.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo ra 70 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, quan trọng hơn là đầu ra cà phê cho người nông dân sẽ tăng lên.