Tại hội thảo "Hoàn thiện khung pháp lý về Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán" do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) kết hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, bà Tạ Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường trình bày những nội dung sửa đổi quan trọng trong Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán.
Một trong những nội dung cơ bản cần sửa đổi là bổ sung yêu cầu bắt buộc phải CBTT bằng tiếng Anh đối với công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết, các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán.
TS Nguyễn Sơn phản hồi các ý kiến đóng góp tại hội thảo |
Cụ thể, theo dự thảo các đơn vị niêm yết có vốn điều lệ thực góp từ 500 tỷ đồng hoặc có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng một năm phải CBTT bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các đơn vị này phải CBTT về báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên và Nghị quyết ĐHĐCĐ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Và bản công bố bằng tiếng Anh phải được công bố trong vòng một ngày làm việc sau khi bản tiếng Việt được thông báo. Trong đó, bản tiếng Anh có tính chất tham khảo và trường hợp có tranh chấp phát sinh do việc thực hiện CBTT thì tranh chấp được giải quyết trên cơ sở thông tin công bố ở bản tiếng Việt.
Đối với quy định này, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chia sẻ việc bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh nhằm đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, qua đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại hơn nữa.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE góp ý nên có thời gian khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin từ 3-6 tháng để dành thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị rồi sau đó sẽ bắt buộc thực hiện. Đồng thời nên có mẫu cho các thông tin bắt buộc phải công bố bằng tiếng Anh.
Dự thảo Thông tư 52 có bổ sung các yêu cầu CBTT đối với các loại hình quỹ đóng, quỹ ETF, quỹ đầu tư BĐS phù hợp với các thông tư hướng dẫn và thành lập quỹ. |
Ở vị thế là đơn vị công bố thông tin, phát biểu tại hội thảo, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID), CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) đều cho rằng việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là nên thực hiện, song cả hai cũng ủng hộ ý kiến bà Đào rằng Ủy ban nên có lộ trình khuyến khích doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng.
Đây sẽ là khoảng thời gian giành cho doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực cũng như làm quen với điều này. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng góp ý không nên giới hạn thời gian công bố bản tiếng Anh trong vòng một ngày ngay sau bản tiếng Việt được công bố, đối với các thông tin có dung lượng nhỏ như thông báo giao dịch, nghị quyết ĐHĐCĐ thì có cơ hội tuân thủ, còn đối với các thông tin có dung lượng lớn như báo cáo tài chính hay báo cáo thường niên đòi hỏi phải có thời gian dài hơn để đảm bảo tính chính xác của dịch thuật cũng như kiểm tra thông tin trước khi công bố.
Nới thời hạn công bố BCTC kiểm toán hợp nhất
Tại hội thảo, bà Bình cho biết trong thời gian qua, Ủy ban nhận được khá nhiều yêu cầu lùi thời hạn công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của nhiều doanh nghiệp đại chúng và xét thấy cần sửa đổi quy định để phù hợp hơn. Do vậy, dự thảo sửa đổi Thông tư 52 lần này có quy định lùi thời hạn công bố báo cáo tài chính hợp nhất đối với công ty đại chúng mô hình mẹ con mà công ty mẹ, con, liên kết đều phải lập BCTC hợp nhất.
Cụ thể, doanh nghiệp được phép lùi lại đối với BCTC năm hợp nhất kiểm toán 10 ngày so với quy định hiện hành, BCTC bán niên đã soát xét, BCTC quý lùi 5 ngày. Và trường hợp công ty đại chúng có sự thay đổi thời hạn CBTT BCTC phải báo cáo với UBCKNN cũng như các Sở GDCK.
Bên cạnh đó, để tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, dự thảo cũng có nội dung yêu cầu công ty đại chúng phải giải trình khi ý kiến của Kiểm toán đối với BCTC năm không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày ra BCTC kiểm toán; yêu cầu bổ sung CBTT về trách nhiệm môi trường và xã hội thể hiện trong báo cáo thường niên hay báo cáo phát triển bền vững.
Cuối cùng đối với các thông tin bất thường, doanh nghiệp phải công bố thông tin khi có quyết định thông qua hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người nội bộ hoặc người có liên quan của họ; khi có sự thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành; khi công bố thông tin hủy niêm yết doanh nghiệp phải công bố cả phương án bảo vệ cổ đông trước hủy niêm yết; phải công bố thông tin và thông báo cho chủ nợ khi giá trị sổ sách tài sản giảm hơn 10%.