Dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán lớn hơn con số 17.000 tỷ?

Dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán lớn hơn con số 17.000 tỷ?

"Theo số liệu báo cáo chính thức từ các tổ chức KDCK, dư nợ cho vay ký quỹ giao dịch chứng khoán khoảng 17 nghìn tỷ, nhưng theo tôi, tỷ trọng cho vay từ hệ thống ngân hàng thông qua CTCK và trực tiếp cho khách hàng lớn hơn rất nhiều lần." - ông Sơn cho biết.

Sự ra đời của Thông tư 36/NHNN được đánh giá là một trong những sự kiện tác động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán trong năm 2014. Kể từ khi dự thảo Thông tư 36 được công bố vào giữa tháng 11 (và ban hành vào 20/11), Vn- Index đã giảm 13,8% từ 600,93 vào ngày 18/11 xuống mức thấp 518,22 vào 17/12 trước khi phục hồi trở lại trong những tuần gần đây, một phần cũng nhờ những đồn đoán về việc gia hạn áp dụng một số điều của thông tư này.

Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (UBCKNN) nhận xét, các tổ chức kinh tế và nhà đầu tư đang quan ngại về việc siết các tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu cũng như đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong Thông tư 36/NHNN được ban hành và sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2/2015.

"Theo số liệu báo cáo chính thức từ các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dư nợ cho vay ký quỹ giao dịch chứng khoán khoảng 17 nghìn tỷ, nhưng theo tôi, tỷ trọng cho vay từ hệ thống ngân hàng thông qua CTCK và trực tiếp cho khách hàng lớn hơn rất nhiều lần." - ông Sơn cho biết.

Vì vậy, việc siết chặt tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu tối đa không quá 5% vốn điều lệ của các NHTM có dư nợ dưới 3% sẽ tạo một áp lực rất lớn đối với việc giải chấp của các CTCK cũng như yêu cầu giảm dư nợ cho vay đối với các NHTM.

Ông Sơn đánh giá, việc ban hành Thông tư 36 là việc làm cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ dư nợ đầu tư cho vay chứng khoán cũng như kiểm soát việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, góp phần định hướng cho vay từ các NHTM vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

"Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay và thời hạn hiệu lực thực thi cần phải có 1 lộ trình thích hợp. Nếu không sẽ gây những phản ứng sốc và tác động mạnh tới sự sụt giảm mạnh của TTCK." - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng Thông tư 36 được ban hành nhằm mục tiêu tạo lập nên chuẩn mực mới cao hơn về hoạt động ngân hàng, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chủ trương của Chính phủ.

Theo bà Hồng, việc thông tư quy định tỷ lệ đầu tư kinh doanh cổ phiếu và đầu tư vào TPCP đối với các TCTD và tổ chức nước ngoài nhằm đảm bảo an toàn của TCTD đồng thời giúp cho sự phát triển của TTCK bởi vì việc TTCK phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi vốn ngân hàng huy động chủ yếu là kỳ hạn ngắn rất dễ làm cho TTCK biến động, nhất là khi chính sách tiền tệ thay đổi để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, để TTCK phát triển ổn định thì cần phát triển thị trường trái phiếu công ty, đa dạng hóa người nắm giữ trái phiếu Chính phủ. Việc này vừa giúp ổn định TTCK vừa giúp giảm áp lực nguồn vốn trung dài hạn, theo đó giảm chênh lệch kỳ hạn đối với hệ thống ngân hàng.