China Steel Corp. (Đài Loan) đang có kế hoạch nâng tỷ lệ cổ phần trong Dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh lên 25% từ mức 5% hiện tại. Thông tin được báo chí Đài Loan đăng tải trong những ngày gần đây và cũng đã được đại diện của Formosa tại Việt Nam xác nhận.
Một số hạng mục lớn của Dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh đang được triển khai xây dựng |
Tuy nhiên, vị này cho biết: "Tất cả vẫn đang trong quá trình đàm phán".
Chi tiết thương vụ không được tiết lộ và thông tin về đối tác bán cổ phần cho China Steel cũng không được nhắc tới. Mặc dù vậy, trong báo cáo của China Steel liên quan đến cuộc họp HĐQT mới đây, thì HĐQT của China Steel đã thống nhất việc bỏ ra 939 triệu USD để mua thêm cổ phần trong Dự án Formosa Hà Tĩnh. Thương vụ này sẽ được thực hiện thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd.
Cũng theo thông tin này, việc China Steel mua thêm cổ phần trong Dự án Formosa Hà Tĩnh là một phần của kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của Công ty. Thương vụ này dự kiến sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của Công ty với Formosa và cũng sẽ mở đường cho sự hợp tác trong tương lai liên quan đến việc mở rộng đầu tư, kinh doanh sang các thị trường châu Á khác, gồm Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.
Với vốn đầu tư 9,9 tỷ USD, Dự án Formosa có nhiều đối tác tham gia góp vốn. Trong số này, ngoại trừ China Steel (nắm giữ 5% vốn) và Sunsco Enterprise (0,037%), thì tất cả đều là các công ty thành viên của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Chẳng hạn, Công ty Hóa dầu Formosa (nắm 14,75%), Công ty Nhựa Đài Loan (14,75%), Công ty Nhựa Nam Á (14,75%); Formosa Plastic Corp. (16%)...
Lý giải sự tham gia của China Steel trong dự án này, mới đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng phụ trách Dự án Formosa Hà Tĩnh cho biết, đây là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép, nên "sẽ hỗ trợ nhiều cho quá trình thực hiện dự án".
Chưa kể, nhiều thông tin cho thấy, JFE, tập đoàn thép lớn thứ hai của Nhật Bản đã công bố rút khỏi Dự án Thép Guang Lian (có vốn đầu tư 3 tỷ USD) ở Quảng Ngãi, cũng đang quan tâm mua lại 5% cổ phần để có thể tham gia đầu tư xây dựng Dự án Formosa Hà Tĩnh.
Như vậy, nếu thương vụ China Steel nâng tỷ lệ cổ phần lên 25% và JFE mua 5% cổ phần tại Dự án Formosa Hà Tĩnh hoàn tất, có thể sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc triển khai Dự án Formosa Hà Tĩnh. Dự án này đang trong quá trình triển khai, ban đầu dự kiến đưa lò cao số 1 vào hoạt động trong tháng 5/2015, song do sự kiện đập phá trên công trường hồi tháng 5 năm ngoái, nên sẽ bị chậm tiến độ so với dự kiến. Mặc dù vậy, đại diện Formosa luôn khẳng định, sẽ nỗ lực để đưa Dự án vào hoạt động sớm nhất có thể.
Cùng với việc đưa Dự án đi vào hoạt động, Formosa cũng đã từng công bố kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 27 tỷ USD nhằm đưa Formosa Hà Tĩnh trở thành khu liên hợp gang thép có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Nếu kế hoạch này thành công, vào năm 2020, Dự án có 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn. Trong khi đó, Cảng Sơn Dương cũng sẽ được quy hoạch gồm 32 bến tàu, với lượng hàng hóa thông qua cảng là 85 triệu tấn. Ngoài ra, còn có một nhà máy điện với công suất lắp đặt 2.150 MW.
Ở Việt Nam, ngoài Dự án Formosa Hà Tĩnh, Formosa đã đầu tư 1 tỷ USD ở Đồng Nai. Cuối năm 2013, Công ty này cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng các nhà máy sản xuất nhựa, dệt sợi tại Đồng Nai. Trong số này, dự kiến có 100 triệu USD dành để đầu tư một nhà máy điện, phục vụ các kế hoạch sản xuất nói trên.
Kế hoạch mở rộng đầu tư này được cho là để đón đầu các cơ hội do việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, chưa có nhiều thông tin liên quan đến việc mở rộng đầu tư ở Đồng Nai của Formosa.
Trong khi đó, China Steel cũng đang nắm giữ 51% cổ phần của Dự án Thép cán nguội China Steel Sumikin (có vốn đầu tư 1,15 tỷ USD) ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cổ đông khác của Dự án gồm Công ty Nippon Steel & Sumitomo Metal Corporation (Nhật Bản) chiếm 30% cổ phần, Công ty Gang thép Hưng nghiệp
Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) chiếm 5%, Công ty Sumitomo (Nhật Bản) chiếm 5%, Công ty Sumikin Bussan (Nhật Bản) chiếm 5%, Công ty Chun Yuan (Đài Loan) chiếm 2% và Công ty Hsing Kwang (Đài Loan) chiếm 2% tổng vốn đầu tư. China Steel Sumikin đã đi vào hoạt động cuối năm 2013.