Điều này được phản ánh qua việc chỉ số VN30 – quy tụ cổ phiếu của 30 công ty niêm yết có vốn hoá và tính thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE – tăng 1,74% lên 2623,85 điểm, cao hơn so với mức tăng 1,45% của thị trường chung.
Dòng tiền đang hướng vào các mã vốn hóa lớn còn được thể hiện qua việc có tới 21 mã thuộc chỉ số VN30 tăng giá, trong khi chỉ có 4 mã giảm giá.
Theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dòng tiền đang có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu trong một chu kỳ tăng giá.
Ông cho biết, trong 1 tháng trước, dòng tiền đã chuyển vào các nhóm hưởng lợi từ TPP và mid-cap, còn các cổ phiếu bluechip cũng tăng nhưng không lớn, trừ nhóm bảo hiểm. Sau 1 tháng tăng như vậy, thị trường cũng có 1 số phiên điều chỉnh, tạo điều kiện để nhà đầu tư chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng và tìm đến những cổ phiếu tốt và chưa tăng nhiều và vẫn có triển vọng trong quý IV/2015 cũng như 2016.
“Trong xu hướng tăng, dòng tiền sẽ chuyển sang các cổ phiếu chưa tăng để kéo giá cổ phiếu hợp lý hơn,” ông Hoàng nói, cho biết thêm rằng nhóm bluechip, trong đó có 2 mã rất cơ bản là FPT và VNM, cũng chưa tăng nhiều trong sóng tăng vừa qua.
Thực tế cho thấy VNM là cổ phiếu nổi bật nhất thị trường trong phiên khi mã này tăng mạnh 5,1% lên 123.000 đồng. Nhờ mức tăng cao và khối lượng giao dịch lớn (2,4 triệu cổ phiếu), VNM trở thành cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất phiên này với giá trị giao dịch đạt hơn 290 tỷ đồng.
Mức tăng này tiếp tục củng cố vị trí của VNM là có vốn hóa lớn nhất thị trường. Tính đến ngày 3/11, VNM có giá trị niêm yết 147.681,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tỷ trọng của chỉ số VN-Index.
Ngoài VNM, FPT là một cổ phiếu khác vừa có khối lượng giao dịch lớn lại vừa tăng mạnh. FPT tăng hết biên độ cho phép lên 52.500 đồng, với 3,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch 199 tỷ đồng.
BVH cũng là một cổ phiếu bluechip tăng kịch trần trong phiên này, chốt phiên tại giá 63.000 đồng, với gần 380.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
Một số cổ phiếu khác cũng tăng giá với giá trị giao dịch lớn như VCB tăng 1%, VIC tăng 2,2%, cho thấy nhà đầu tư đang chuyển hướng sang cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành.
Đánh giá thêm về VNM và FPT, ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) - cho rằng những doanh nghiệp này mới công bố kết quả kinh doanh khá tốt, trong đó VNM tăng trưởng đột biến, còn FPT sau nhiều năm tăng trưởng thấp năm nay cũng tăng trưởng khá tốt.
Ngoài việc được hỗ trợ bởi các cổ phiếu lớn, ông Long cho biết động lực mua vào trong phiên này còn được thúc đẩy sau khi thị trường đã điều chỉnh trong phiên trước (2/11), khiến giá cổ phiếu phần nào trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của BSC đánh giá phiên tăng này của thị trường “hơi hưng phấn”.
Ông cho biết các công ty lớn chưa công bố hết kết quả kinh doanh quý III, nhưng nhìn chung so với năm ngoái kết quả có cải thiện nhưng không nhiều và mọi người đang kỳ vọng hơn vào kết quả kinh doanh quý IV.
Theo ông Long, xu hướng vĩ mô của Việt Nam hiện đang tốt hơn so với các quốc gia khác khá nhiều. Dòng tiền nước ngoài vẫn vào, và dù không nhiều như trước, nhưng so với các nước bị rút ra thì Việt Nam còn tốt hơn rất nhiều.