Đồng Nai sẽ ‘khai tử’ 60 lò giết mổ gia súc

Đồng Nai sẽ ‘khai tử’ 60 lò giết mổ gia súc

Hai cơ sở bơm nước bò và ba cơ sở khác ở Đồng Nai đã bị rút giấy phép kinh doanh ngay trong ngày 16-12.

Chiều 16-12, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết liên quan đến thông tin hai cơ sở giết mổ bơm nước vào trâu, bò tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định rút giấy phép kinh doanh hai cơ sở này. Ngoài ra, cùng ngày lãnh đạo huyện Trảng Bom cũng rút giấy phép ba cơ sở giết mổ trâu, bò trên địa bàn theo đề nghị của Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai vì không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh thú y.

“Chiều 16-12, lãnh đạo huyện Trảng Bom đã báo cáo về quyết định rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở giết mổ trâu, bò trên địa bàn. Sáng nay UBND huyện Trảng Bom sẽ thành lập đoàn liên ngành gồm phòng kinh tế, công an và lãnh đạo trạm thú y để làm việc với hai cơ sở bơm nước vào trâu bò để tiến hành phạt theo quy định” - ông Quang nói.

Về hai cán bộ thú y của Trạm Thú y huyện Trảng Bom đã để xảy ra việc bơm nước trâu bò, ông Quang cho biết bước đầu tạm đình chỉ công tác và yêu cầu hai cán bộ này làm tường trình, làm kiểm điểm. Sau đó Chi cục Thú y sẽ lập hội đồng kỷ luật xử lý theo quy định.

Theo ông Quang, để đảm bảo giết mổ đúng tiêu chuẩn vệ sinh thú y, nhất là thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, Chi cục Thú y sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển mua bán, giết mổ. Khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, đề xuất rút giấy phép.

Được biết ngoài năm cơ sở giết mổ gia súc vừa bị UBND huyện Trảng Bom “khai tử” thì trên toàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn 60 cơ sở giết mổ đang trong danh sách “đen” của Chi cục Thú y về việc thu hồi giấy phép kinh doanh trong thời gian tới. Đây là những cơ sở mà cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản, xử lý nhưng vẫn tái phạm về việc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong giết mổ theo quy định của ngành thú y.

Đồng Nai đã quy hoạch 20 cơ sở giết mổ tập trung và 11 cơ sở vệ tinh. Hiện đã có 13 cơ sở giết mổ tập trung và 11 cơ sở vệ tinh đi vào hoạt động. “Việc rút giấy phép kinh doanh giết mổ gia súc phụ thuộc vào chính quyền địa phương các huyện, thị xã. Vì nếu rút giấy phép ngay bây giờ mà địa phương chưa có điểm giết mổ tập trung gây khó cho những hộ kinh doanh. Theo dự kiến, các điểm giết mổ tập trung sẽ hoàn thành trong năm tới nên các điểm giết mổ nhỏ lẻ dù đạt tiêu chuẩn vẫn bị rút giấy phép hoạt động để dồn vào các điểm tập trung” - ông Quang thông tin.



TP.HCM: Đề xuất phạt chủ lô thịt bò bơm nước 100 triệu đồng


Chiều 16-12, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết trạm vừa đề xuất Chi cục Thú y TP.HCM tham mưu cho cơ quan thẩm quyền phạt ông Nguyễn Văn Thanh (huyện Củ Chi, TP.HCM) 100 triệu đồng vì kinh doanh thịt bò bơm nước. Ngoài ra, lô hàng sai phạm cũng buộc tiêu hủy và ông Thanh phải chịu chi phí tiêu hủy.


Sáng 9-12, Trạm Thú y quận Tân Bình kiểm tra xe tải vận chuyển 840 kg thịt bò và 150 kg xương bò từ Long An vào chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM). Lô hàng đã được Chi cục Thú y tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Kết quả kiểm tra: Trọng lượng thịt bò thực tế chỉ còn hơn 743 kg, hao hụt do nước lên tới gần 97 kg (chiếm hơn 10% trọng lượng lô hàng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch). Riêng trọng lượng xương bò không thay đổi. Kết quả xét nghiệm, có 2/5 mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella. “Chỉ cần một trong nhóm mẫu xét nghiệm nhiễm khuẩn thì toàn bộ lô hàng coi như không đạt, phải xử lý” - bà Nga cho biết.


Theo TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, vi khuẩn Salmonella gây tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn… Các biểu hiện nói trên thường xảy ra khoảng 36 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm Salmonella và kéo dài 2-7 ngày. Salmonella còn có nguy cơ gây một số biến chứng khác như sưng và đau khớp xương; ảnh hưởng da, cơ, mắt.


TRẦN NGỌC



>>> Đột nhập hai cơ sở bò bơm nước ở Đồng Nai


Theo VĂN NGỌC