Dồn dập đầu tư từ Mỹ

Hàng loạt hợp đồng tỉ đô đã được doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama cộng thêm động lực từ TPP đang mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Việt Nam

Ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp (DN) 2 nước.

Những dự án lớn

Ngay sau khi ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX và mua động cơ, bảo dưỡng từ các nhà cung cấp Mỹ, ngày 25-5, đại diện Vietjet cho biết đang tiếp tục trao đổi với đối tác các bước tiếp theo để thực hiện hợp đồng. Trước đó, Vietjet và tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng mua bán 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỉ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết máy bay B737 Max 200 sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn mạng đường bay quốc tế trong thời gian tới của Vietjet. Qua hợp đồng này, Vietjet sẽ góp phần tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đóng góp vào sự phát triển hội nhập của ngành hàng không Việt Nam.

Dự kiến, Boeing sẽ bắt đầu giao số máy bay này từ năm 2019 đến 2023. Tính đến cuối năm 2023, Vietjet sẽ có tới hơn 200 máy bay. Cùng với hợp đồng đặt mua máy bay, Vietjet còn ký hợp đồng cung cấp động cơ và các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay với Công ty Pratt & Whitney (Tập đoàn United Technologies Corp, Mỹ) để trang bị cho số máy bay thế hệ mới A320 NEO và A321 NEO mà hãng đã đặt hàng. Hợp đồng này có tổng giá trị lên tới 3,04 tỉ USD.

Dồn dập đầu tư từ Mỹ - 1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama chứng kiến lễ ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing giữa Hãng hàng không Vietjet Air với Tập đoàn Boeing Ảnh: LINH ANH

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, Tập đoàn General Electric (GE - Mỹ) và Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Một nhà đầu tư khác là Asian Coast Development Ltd. (ACDL) - công ty quốc tế chuyên về phát triển, đầu tư và xây dựng các khu nghỉ dưỡng phức hợp đến từ Mỹ, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip - cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Xây dựng Cotec (CoteCons) về việc mở rộng khu nghỉ dưỡng này trị giá 75 triệu USD. Tòa khách sạn mới được xây dựng sẽ đánh dấu cột mốc phát triển lớn hơn của The Grand Hồ Tràm Strip, nâng tổng mức đầu tư cho toàn dự án lên tới 1 tỉ USD.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch điều hành cấp cao The Grand Hồ Tràm Strip, cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao vị thế của DN và lao động người Việt thông qua các hoạt động của khu nghỉ dưỡng, điển hình như hợp tác với CotecCons, Vietjet. Các vị trí quản lý cấp cao tại khu nghỉ dưỡng hiện do người Việt Nam đảm trách”.

Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 11 tỉ USD, trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá thấp so với tiềm năng 2 nước. Do đó, chuyến thăm của ông Obama và động lực từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tài chính của Tập đoàn Cantor Fitzgerald (Mỹ), ông Howard Lutnick, cũng tái khẳng định mong muốn đầu tư dự án tỉ đô ở TP HCM trong buổi gặp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ngày 24-5. Ông Howard Lutnick là đại diện của nhóm nhà đầu tư Mỹ từng đề xuất xây dựng một khu phức hợp, trung tâm tài chính trị giá 4 tỉ USD tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết đang đàm phán, xúc tiến một số dự án của các nhà đầu tư Mỹ liên quan đến dịch vụ thương mại, nghiên cứu như xây viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế về khoa học sự sống, y học… Theo kế hoạch, cuối tháng 6-2016, dự án Khu Công viên Sài Gòn Silicon (trong SHTP) do một nhóm DN Việt kiều từ Mỹ về đầu tư sẽ chính thức hoạt động. Dự án thu hút các doanh nhân Việt ở nước ngoài, DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy lên đến hơn 1 tỉ USD.

Khi quyết định rót vốn vào Việt Nam, nhà đầu tư Mỹ rất cần sự ổn định của chính sách. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng thực hiện những yêu cầu của nhà đầu tư Mỹ là không đơn giản. “Luật của Việt Nam không cần sửa nhiều khi hội nhập nhưng quan trọng nhất là các quy định phải cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực và phải được cơ quan chức năng thực thi nghiêm túc để tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài” - GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

GE hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

Ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam, cho biết phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đánh giá cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của GE trong việc phát triển năng lượng gió nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo thỏa thuận này, GE sẽ làm việc với đối tác Việt Nam để xác định các dự án tiềm năng. Đồng thời, hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc nội địa hóa các thiết bị và linh kiện của tuabin gió tại Nhà máy GE Hải Phòng cũng như hợp tác với các nhà cung cấp trong nước khác. Trước mắt, các bên sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 3 của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Khi hoàn thành, công trình này sẽ cung cấp 300 MW vào lưới điện quốc gia.

Dự án điện gió Bạc Liêu khởi công vào cuối năm 2010, hòa lưới điện quốc gia năm 2015, sắp hoàn thành giai đoạn 2.

T.Hà