Sản xuất hàng gia dụng bao gồm ngành sản xuất các đồ dùng, thiết bị sử dụng trong khuôn khổ gia đình. Đây là nhóm ngành chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và đứng thứ 4 trong 11 nhóm ngành hàng chính về quy mô về tiêu dùng.
Bên cạnh nhu cầu lớn của thị trường nội địa, ngành hàng tiêu dùng còn đang đứng trước cơ hội và là thách thức rất lớn từ hội nhập. Ảnh hưởng của quá trình mở cửa cùng các biện pháp để doanh nghiệp có thể đứng vững trước thách thức hội nhập đã được các chuyên gia, nhà đầu tư chia sẻ trong buổi Hội thảo “Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu" tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội.
Buổi hội thảo có sự tham gia của ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại; Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương; một số doanh nghiệp trong ngành hàng gia dụng như Sơn Hà - Sài gòn, Sunhouse
Đánh giá về thị trường ngành hàng gia dụng, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thị trường có quy mô khoảng 12,5 – 13 tỷ USD với mức phát triển 14,9%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 9,44% trong 11 tháng đầu năm 2015.
Ông Quyền nhận định triển vọng của ngành hàng gia dụng là rất lớn. Nguyên nhân là do đặc điểm dân số trẻ (18-45 tuổi) chiếm tỷ trọng 57-60% dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn. Tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt Nam cũng đang tăng với 85-95% là thương hiệu Việt trong hệ thống siêu thị. Thu nhập tăng cũng giúp nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn và thị trường nông thôn chuyển dịch từ sử dụng các món đồ gia dụng tự chế sang sử dụng các thương hiệu Việt quen thuộc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đồng quan điểm về tiềm năng phát triển của ngành hàng gia dụng, nhất là dư địa phát triển tại thị trường nông thôn (chiếm 70% tổng dân số). Theo ông Ruệ, cơ hội tại thị trường trong nước đã rất sẵn. Số lượng hộ gia đình mới là cơ sở cho nhu cầu các mặt hàng gia dụng cũng sẽ tăng theo.
Ông Ruệ đánh giá cao khả năng phát triển thị trường nông thôn trong ngành hàng gia dụng. Trên thực tế, trong khi thị trường tại các thành phố lớn đã bão hoà thì tại các khu vực nông thôn, hàng gia dụng đang cực kỳ thiếu thốn, và chưa có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và mẫu mã, đa phần vẫn là các công cụ sản xuất thủ công. Hiện thị trường này chưa thực sự phát triển do thu nhập người dân còn thấp và bản thân các doanh nghiệp thiếu sự quan tâm.
Thời gian tới đây, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ theo quy định của các hiệp định thương mại như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN…, các doanh nghiệp ngoại dễ dàng đổ bộ vào thị trường Việt Nam, trong đó ngành hàng gia dụng khu vực nông thôn cũng là "miếng bánh ngon" được để ý.
“Vấn đề xuất xứ hàng hoá hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào do hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Phan Thế Ruệ đánh giá.
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú cũng đánh giá nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm.
Là một ngời trong ngành, Tổng Giám đốc của CTCP Sơn Hà Sài Gòn (mã SHA-HNX) cho biết chiến lược sau hội nhập là điều các nhà quản lý luôn trăn trở. Sơn Hà - Sài Gòn là nhà sản xuất bồn nước, chậu rửa, bình nước nóng có thị phần lớn ở khu vực từ Quảng Nam trở vào. Chiến lược của công ty hiện nay cũng là đưa hàng về tiêu thụ về thị trường nông thôn, giải quyết vấn đề bão hoà thị trường.
Hội nhập vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Ông Hà cho rằng giá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho DN đưa hàng hóa sang thị trường khác tiềm năng. Thị trường xuất khẩu được mở rộng sẽ là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp Việt khi thị trường nội địa ngày càng trở nên cạnh tranh. Nhưng việc bước vào được thị trường này không đơn giản.
Như trường hợp của Sơn Hà - Sài gòn, ông Hà chia sẻ dù công ty đã xúc tiến tìm hiểu xuất khẩu từ hơn 10 năm trước nhưng 5 năm gần đây mới có thể tiến hành thực hiện do cần phải cân nhắc liệu chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới, cũng như phải tìm hiểu luật chơi quốc tế một cách cặn kẽ. Ông Hà cũng nhấn mạnh một doanh nghiệp không mạnh ở thị trường trong nước thì khó có thể xuất khẩu mạnh do thị trường quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro.
Tiềm năng của ngành hàng gia dụng trong thời gian tới sẽ rất lớn. Nhưng để đứng vững và khai thác, mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập lại là một bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt. Sự hiểu biết về khách hàng Việt Nam là thế mạnh của doanh nghiệp nội. Tận dụng lợi thế này cùng việc đầu tư vào sản phẩm, công nghệ cùng hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong số các nguyên tắc cạnh trạnh cơ bản mà ông Võ Văn Quyền cho rằng các doanh nghiệp cần phải chú trọng.