Theo ông Nguyễn Công Huyên - Phó TGĐ Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood), việc đồng USD tăng giá, DN xuất khẩu thủy sản sẽ được lợi vì lượng tiền (tính theo VND) thu về cao hơn so với lúc ký hợp đồng. Thế nhưng, khi Euro mất giá so với USD, đối tác ở thị trường châu Âu cũng khó khăn trong việc thanh khoản, tiền chuyển về cho các DN xuất khẩu cũng sẽ chậm hơn. "Nếu giá USD vẫn giữ ở mức cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, các yếu tố đầu vào cũng sẽ tăng theo giá USD làm cho giá thành sản phẩm tăng lên đẩy sức mua giảm xuống"- ông Nguyễn Công Huyên nhấn mạnh.
Mặt khác, để có giá cả cạnh tranh, các DN xuất khẩu thủy sản phải tìm nguồn nguyên liệu ổn định trong tỉnh, trong nước, thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên liệu nhập khẩu thường tác động lớn từ giá USD, giá tương đối cao khi nhập về nên khả năng DN có lãi là không lớn. Vì vậy trước mắt để giảm giá thành cho sản phẩm thì DN phải tiết kiệm ngay từ khâu sản xuất, hạn chế những sản phẩm lỗi, bên cạnh đó là phải tìm kiếm những thị trường mới dự phòng không bị tác động nhiều của giá USD. Ngoài ra, DN tiếp tục đầu tư trang thiết bị công nghệ mới để nâng cao năng suất chế biến.
Còn theo đề xuất của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Bộ NN và PTNT và Bộ Công thương cần có ý kiến với Chính phủ cũng như ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay ngắn hạn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi cho khoản vay ngắn hạn dưới 7% sẽ giúp các DN có sân chơi công bằng với các đối tác quốc tế. Ngoài ra, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản cần có biện pháp giảm giá thành, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.