Doanh nghiệp nhiệt điện "ăn nên làm ra" nhờ El Nino

(NDH) Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của 4 DN nhiệt điện chiếm 36% tỷ trọng toàn ngành. Theo phân tích, với tình hình hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra, các DN nhiệt điện sẽ còn nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển.

4 DN nhiệt điện chiếm 49% tỷ trọng doanh thu toàn ngành
Tính đến thời điểm thực hiện khảo sát, 14 doanh nghiệp ngành điện niêm yết sàn chứng khoán đã công bố Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2015.
Trong 9 tháng, tổng doanh thu toàn ngành đạt 28.659,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.348,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm 4 doanh nghiệp nhiệt điện gồm PPC, NT2, BTP và NBP có tổng doanh thu 13.232,4 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 46% so với doanh thu toàn ngành. Về lợi nhuận, nhóm doanh nghiệp này trong 9 tháng đạt 1.212 tỷ đồng, giảm 7% và chiếm 36% tổng lợi nhuận ngành.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận 9 tháng của các doanh nghiệp ngành điện

Trong 4 doanh nghiệp nhiệt điện, kết quả kinh doanh ấn tượng nhất thuộc về NT2 với doanh thu và lợi nhuận 9 tháng lần lượt là 5.340,6 tỷ đồng và 728 tỷ đồng, tăng 15% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm DN nhiệt điện hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 9 tháng, cụ thể vượt 10%.
Kết quả kinh doanh có phần kém khả quan nhất trong 9 tháng của nhóm DN nhiệt điện thuộc về BTP với doanh thu, lợi nhuận đều giảm 15% và 97% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 1.320,8 tỷ đồng và 3,11 tỷ đồng. BTP cũng mới chỉ hoàn thành 5% kế hoạch lợi nhuận năm. Nguyên nhân chủ yếu là chênh lệch tỷ giá và doanh thu mới chỉ tạm tính theo giá điện năm 2014.

Trong nhóm 10 doanh nghiệp thủy điện, 9 tháng, tổng doanh thu đạt 2.194,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 924,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 44% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận cao nhất trong nhóm DN thủy điện thuộc về VSH với con số 216,24 tỷ đồng, tăng trưởng 129% và hoàn thành 76% kế hoạch năm. Một trong những nguyên nhân tăng trưởng của VSH là trong quý III, doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán điện với EVN, tham gia thị trường điện cạnh tranh nên giá bán được tính theo giá thị trường.
Doanh nghiệp duy nhất trong nhóm vượt kế hoạch năm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận là SJD với con số lần lượt là 305,53 tỷ đồng và 167,12 tỷ đồng, vượt 4% và 18% kế hoạch.
Ngoài ra, TBC cũng vượt 21% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 9 tháng với con số 115,97 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác có bước tỏa sáng trong kỳ có thể kể đến là CHP khi lợi nhuận 9 tháng đạt 148,99 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,71 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong 9 tháng đầu năm, ¾ mã cổ phiếu nhiệt điện giảm, duy chỉ có NT2 (niêm yết vào tháng 6/2015) là tăng 39%, từ mức giá 19.800 đồng lên 27.500 đồng/đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu thủy điện, 8/10 mã tăng giá, 2 mã SBA và SJD giảm lần lượt 13% và 15% qua 9 tháng. Cổ phiếu ở mức giá cao nhất nhóm này là SEB với thời kỳ lập đỉnh lên tới 46.500 đồng/đơn vị, tăng 76,5% trong 9 tháng và cũng là mức tăng mạnh nhất.
Doanh nghiệp nhiệt điện có nhiều lợi thế
Trong năm nay, các doanh nghiệp ngành điện tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ. Ước tính năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ nhập khẩu 1.8 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, giảm 21% so với năm 2014. Đồng thời năm 2015 cũng sẽ kết thúc hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc cấp cho 13 tỉnh ở miền Bắc được ký từ tháng 10/2005.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang từng bước triển khai thị trường phát điện cạnh tranh nhằm từng bước minh bạch hóa và ổn định thị trường. Theo FPTS, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ thị trường phát điện cạnh tranh sẽ là các doanh nghiệp có chiến lược chào giá tốt để gia tăng lợi nhuận cho mình.
Tuy nhiên, lợi thế có vẻ đang nghiêng dần về nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện?

Mới đây, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo, từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016, lượng mưa có khả năng từ thấp hơn đến gần bằng trung bình nhiều năm ở hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam trong nhiều tháng. Tình trạng khô hạn đến khô hạn nghiêm trọng sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể được lý giải bởi hiện tượng El Nino tiếp tục đạt cường độ mạnh kỷ lục như năm 1997 – 1998 và dự báo phải kéo dài hết mùa đông xuân 2016. Đây cũng là đợt El Nino kéo dài nhất trong vòng 60 năm qua.
Điều này được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài theo như dự báo đến năm 2016 thì các nhà máy thủy điện sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nước, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải đẩy mạnh công suất và ưu thế có phần nghiêng về họ.
Tuy nhiên, trong nhóm nhiệt điện, các doanh nghiệp nhiệt điện than thì cũng sẽ gặp bất lợi bởi chi phí đầu vào. FPTS đánh giá, nguồn than trong nước sẽ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho đến hết năm 2015. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập than khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn và khoảng 135 triệu tấn năm 2030. Trong 3 năm trở lại đây (2011-2014), Vinacomin đã phải nhập than từ 9.500 tấn lên gần 3 triệu tấn. Do đó, FPTS dự báo nguồn cung nguyên liệu than sẽ còn gặp khó, chưa kể giá than nội địa cao hơn giá thế giới nhưng còn thấp hơn giá thành.