Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế về xuất khẩu

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đạt hơn 123,83 tỷ USD của cả nước, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp hơn 76,85 tỷ USD, chiếm hơn 60%.

Đóng góp lớn cho xuất khẩu của khu vực FDI vẫn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày… Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số 19,48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 19,4 tỷ USD.

Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế về xuất khẩu

Để nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu của Việt Nam, thời gian gần đây, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được quan tâm, với nhiều cơ chế, chính sách mới. Tuy nhiên, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam "có vấn đề".

"Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh đó, đề xuất Quốc hội thông qua luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp hỗ trợ", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Hiện nay, để chủ động nguyên, vật liệu cho quá trình sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, như Samsung, Intel, Canon, Panasonic… cũng đang từng bước phát triển hệ thống doanh nghiệp vệ tinh, cung cấp linh phụ kiện. Tuy nhiên, trong tổng số gần 100 doanh nghiệp cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung, số doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 4-5, và chủ yếu cung cấp bao bì và dịch vụ in ấn.

"Phải làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp này, như vậy mới tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI và tạo sức lan tỏa để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh cùng doanh nghiệp FDI", ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần nói như vậy.