Doanh nghiệp bị ràng buộc trong quá nhiều giấy tờ

Sáng 20-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy góp ý hiến kế xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho rằng các quy định, chính sách hỗ trợ DN hiện hành đang nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau, DN rất khó tìm kiếm chính sách, mà có tìm ra chính sách thì việc xin hưởng chính sách hỗ trợ còn khó hơn nhiều lần.

Do đó, việc tập trung các chính sách hỗ trợ DN vào một luật sẽ giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn, hưởng chính sách hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DN nhỏ và vừa, cho rằng lâu nay Nhà nước hỗ trợ theo kiểu có cái gì thì cho cái nấy, hỗ trợ theo khả năng của Nhà nước chứ chưa hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của DN.

Thậm chí nhiều chính sách được xây dựng nhưng không thực hiện được, chẳng khác gì đào mương mà trong mương không có nước.

 Doanh nghiệp bị ràng buộc trong quá nhiều giấy tờ - 1

 Quang cảnh buổi họp lấy ý kiến sáng nay

Ông Nguyễn Văn Bé, Hiệp hội Các DN Khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng DN đang rất cần sự đổi mới về hành chính. Các luật chuyên ngành nhiều thủ tục hơn bao giờ hết, phá vỡ hết các quy trình một cửa. DN bị ràng buộc trong quá nhiều thứ giấy tờ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những luật được đánh giá cao thời gian qua đều là những luật có cải cách, cắt giảm thủ tục.

Góp ý xây dựng luật này, ông Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Nghiên cứu lãnh đạo và quản trị DN) cho rằng chúng ta phát triển DN rất tốt về số lượng nhưng cần xem lại chất lượng vì tính rủi ro rất cao, dễ giải thể, phá sản. DN nào cũng cần hỗ trợ vốn, hỗ trợ quỹ đất. Vậy Nhà nước hỗ trợ cái gì? Một là hỗ trợ thành lập thông thoáng; hai là hỗ trợ giải quyết tranh chấp như tranh chấp hàng gian hàng giả; hỗ trợ đào tạo cho DN nhận rõ cơ hội và rủi ro, cách thay đổi để tận dụng cơ hội.