Cà phê vối (Rubusta) chiếm đến 90% diện tích và chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam
Việt Nam sở hữu những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi và đắc địa cho cây cà phê phát triển, đặc biệt là vùng đất đỏ bazan tại các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, để cây cà phê phát triển bền vững, đáp ứng nguồn nguyên liệu xuất khẩu, Việt Nam cần tăng năng suất cây cà phê hơn nữa. Chưa xứng với tiềm năng Theo số liệu thống kê Hiệp hội Cà Phê Ca Cao Việt Nam, cây cà phê đang ngày một già cỗi, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên - nơi diện tích cây trên 20 tuổi chiếm hơn 20%. Năng suất của những cây này giảm tới 50%. Do đó, vấn đề cấp thiết là phải lai tạo những giống cà phê mới, với năng suất cao, kháng chịu sâu bệnh tốt và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, Nestlé tham gia vào ngành cà phê Việt Nam không chỉ dừng ở hoạt động sản xuất, mà còn xa hơn nữa đó là cam kết lâu dài với đất nước và người trồng cà phê Việt Nam. Năm 2011 Nestle đã hợp tác với Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) triển khai "dự án Nescafé Plan". Đây là dự án Nestlé triển khai trên toàn cầu bao gồm tập hợp các cam kết của Cty về hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu dùng cà phê có trách nhiệm. Tại Việt Nam "dự án Nescafé Plan" đã giúp người nông dân gia tăng năng suất, đồng thời hướng đến phát triển bền vững bằng cách sử dụng phương pháp tiên tiến, giảm phân bón, nước tưới và khí thải. Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI cho biết, "dự án NescafePlan" đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của việc trồng lại cây cà phê, hỗ trợ 50% giá cây giống cho nông dân, thúc đấy mạnh mẽ việc thay thế các cây cà phê già cỗi. Chương trình này cũng đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên đến 7 tấn/ha, gần gấp đôi năng suất trung bình hiện nay, thu nhập của người trồng từ đó tăng khoảng 600 USD/ha/ năm. Ông Nandu Nandkishore, Phó Chủ tịch Tập Đoàn Nestlé phụ trách khu vực Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi cho biết, "dự án Nescafe Plan" là một trong những điểm nhấn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người trồng cà phê lâu nay. Dự án thu hút ngày càng đông số lượng người tham gia. Năm đầu chỉ có 300 người được tiếp cận dự án, nhưng đến cuối năm 2014, con số tiếp cận dự án lên đến 10.000 người. Dự kiến trong năm 2015 này sẽ cung cấp khoảng 4 triệu cây giống nâng tổng cây giống cung cấp lên khoảng 11 triệu cây. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Số lượng nông dân đạt chứng nhận 4C về sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững cũng tăng mạnh từ chỉ 1.745 người trong năm 2011 lên 20,000 người năm 2014… Nâng giá trị gia tăng từ hạt cà phê Ông Nandu Nandkishore chia sẻ, chúng tôi muốn xây dựng Việt Nam thành điểm tham chiếu cà phê robusta trên thế giới. Bình quân mỗi năm Nestle Việt Nam thu mua lượng cà phê hạt từ nông dân chiếm khoảng 20 -25% lượng cà phê tại Việt Nam. Và Nestle tự hào tất cả sản phẩm cà phê Nescafé đang bày bán tại thị trường trong nước đều làm từ 100% hạt cà phê Việt Nam. Sau 20 năm đầu tư vào Việt Nam, đến nay Nestle đã có 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư tăng từ 25 triệu đã lên 450 triệu USD. Trong đó 80 triệu USD đầu tư vào nhà máy mới chuyên khử caffeine bằng công nghệ hiện đại sử dụng nước để chiết xuất caffeine từ hạt cà phê khánh thành cuối tháng 3/2015. Công nghệ này cho phép lưu giữ hương vị cà phê tự nhiên và được xuất khẩu như nguồn nguyên liệu thô tới các nhà máy của Nestlé trên toàn thế giới. Sự ra mắt của nhiều nhà máy cà phê là bước ngoặt cho ngành công nghiệp để thay đổi Việt Nam từ nước xuất khẩu cà phê xanh để xuất khẩu cà phê hòa tan, có giá trị gia tăng cao hơn. |