Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá lên 145%

Thuế suất đối với mặt hàng này đã không tăng từ năm 2008, nên đây được xem là cơ hội vàng tốt điều chỉnh nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc và tăng thu ngân sách.

Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Chính phủ xem xét để trình Quốc hội vào tháng 10 tới, thuốc lá sẽ là mặt hàng bị áp mức cao nhất khi tăng từ 65% lên 75% vào năm 2015 và tiếp tục nâng lên mức 85% từ năm 2018. Trước vấn đề này, các chuyên gia kinh tế của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới đều đồng tình tăng thuế tiêu thụ thuốc lá là điều cấp thiết.

"Cơ quan điều hành có thể tăng giá xăng dầu, giá điện... bất cứ lúc nào, dù đây là những sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Nhưng với thuốc lá thì quá khó khăn", bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada tại Việt Nam (HealthBridge Canada) nói. Từ năm 2008 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt quốc lá chưa tăng lần nào và neo ở mức 65%.

Bà Phan Thị Hải - Phó Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia (Vinacosh) cũng nhấn mạnh ngoài tác động đến sức khỏe, thuốc lá còn gây những hệ lụy không nhỏ tới nền kinh tế. Số liệu năm 2012 cho thấy tổng chi phí mua thuốc lá và điều trị các bệnh liên quan lên tới hơn 45.000 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách từ lĩnh vực này chỉ đạt gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2012 và gần 17.000 tỷ đồng năm 2013.

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tăng thuế thuốc lá. Nếu bỏ lỡ cơ hội này để đến 2-3 năm sau mới thực hiện thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giới trẻ", bà Hoàng Anh phát biểu.

Tuy nhiên, với việc thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục, các chuyên gia cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tăng thêm 5% vào năm 2015 và 5% năm 2018 theo dự thảo Luật sẽ không tác lớn tới tiêu dùng, tỷ lệ hút thuốc và chỉ làm tăng thu ngân sách ở mức độ vừa phải. Cụ thể, mức tăng trên chỉ khiến cho giá bán lẻ cao hơn 2,9% vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019, trong khi thu nhập bình quân đầu người thực thế tăng 4,8% hàng năm.

"Ít nhất phải tăng thuế kịp với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người mới làm cho sức mua không thay đổi. Và để giảm sức mua và tỷ lệ sử dụng thì mức thuế mới phải làm giá tăng cao hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người", bà Hải nhận xét.

Không chỉ vậy, phương án tăng tối đa lên 85% cũng không đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, các chuyên gia cho hay. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới theo tính toán sẽ giữ nguyên ở mức 47% giai đoạn 2014 - 2020 trong khi mục tiêu của chiến lược quốc gia là phải giảm về 39% vào năm 2020.

Bởi vậy, để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra và trên cơ sở thuế suất tăng thêm 10% sẽ làm tiêu dùng giảm 5%, đại diện của Vinacosh tính toán thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018, hoặc có thể tăng theo phương án 15% mỗi năm, từ nay tới năm 2020. Điều này sẽ giúp thu ngân sách tăng thêm 9.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 24.000 tỷ đồng vào năm 2018, thay cho mức 1.400 và 7.700 tỷ đồng theo tính toán hiện nay.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng dẫn các bằng chứng quốc tế để chức minh hiệu quả từ việc tăng thuế. Ở Thái Lan, với 12 lần tăng thuế trong thời gian qua, thu ngân sách từ thuế thuốc lá đã tăng 300% sau 20 năm, đạt khoảng 1,9 tỷ USD mỗi năm và làm giảm tỷ lệ hút thuốc khoảng 2% một năm.

Trong trường hợp không thể tăng được mức như trên, ông Lâm cũng khuyến nghị mức thuế suất có thể tăng từ 65% lên 85% vào năm 2015 và tăng lên 105% vào năm 2018, tương đương việc tăng 10% mỗi năm vào 2018.

Theo báo cáo của các tổ chức y tế, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, gây tác hại không nhỏ về sức khỏe cho người dân cũng như nền kinh tế. Nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.

Xét trên gánh nặng kinh tế, năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh liên quan quan phổi, đường hô hấp, tim lên tới 23.000 tỷ đồng.