DCL: Quyền lợi của các cổ đông thiếu số đang bị đe dọa nghiêm trọng

(NDH) Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng quyền lợi của các cổ đông thiếu số tại DCL đang bị đe dọa nghiêm trọng và việc FIT tham gia can thiệp sâu vào việc điều hành DCL đang gây ra nhiều rủi ro cho tương lai phát triển của doanh nghiệp.

Ngày 13/03/2015 vừa qua, đại diện FPTS đã tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL – HOSE) với sự điều hành chủ đạo của các nhân sự đến từ/có liên quan đến CTCP Đầu tư F.I.T (FIT – HOSE).

Với những nội dung và diễn biến tại đại hội cũng như thông qua phần chất vấn trực tiếp HĐQT của DCL, FPTS nhận thấy quyền lợi của các cổ đông thiếu số tại DCL đang bị đe dọa nghiêm trọng và việc FIT tham gia can thiệp sâu vào việc điều hành DCL đang gây ra nhiều rủi ro cho tương lai phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, FPTS cũng cập nhật các thông tin trọng yếu về DCL như sau:

FIT trình đại hội phương án nâng tỷ lệ sở hữu lên 65% thông qua phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu giá 26.000 đ/cp và mua thêm cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, FIT đã vi phạm chương trình đại hội cổ đông (đã được 100% phiếu tán thành thông qua) khi tiến hành bầu bỏ phiếu trước khi thảo luận về nội dung các tờ trình dù bị một số cổ đông phản đối. Sau đó, cổ đông mã số 934 đã chất vấn về vấn đề này và được chủ tọa hội nghị là ông Nguyễn Văn Sang (chủ tịch HĐQT) giải trình bằng cách “xin thông cảm cho qua”.

Theo tìm hiểu của FPTS, theo mục 3, 4, 5 điều 103 của Luật Doanh Nghiệp 2005, chủ tọa phải điều khiển chương trình đại hội đúng theo chương trình và nội dung họp đã được thông qua. Do đó, việc đảo ngược chương trình đại hội nói trên có khả năng sẽ khiến các cổ đông nhỏ lẻ không nắm rõ được tất cả các vấn đề quan trọng trước khi quyết định biểu quyết.

DCL trình và thông qua phương án giảm tỷ lệ tối thiểu để triệu tập ĐHCĐ từ 65% xuống 51%. Cùng với phương án nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, FIT có thể tự tổ chức và tự thông qua tất cả các quyết sách quan trọng mà không cần quan tâm đến ý kiến cũng như lợi ích của các cổ đông còn lại.

DCL trình bổ sung và thông qua phương án “cho phép đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng tài sản trong báo cáo tài chính nếu có ít nhất 65% tổng số phiếu của cổ đông dự họp tán thành”.

Điều này có nghĩa FIT có toàn quyền bán mọi tài sản của DCL hay dùng tiền của DCL đầu tư vào bất kỳ dự án nào mà không cần quan tâm đến ý kiến và quyền lợi của các cổ đông khác. Do họ có thể tự tổ chức ĐHCĐ bất thường và tự thông qua các quyết sách quan trọng mà không cần có sự tham gia của các cổ đông khác. FPTS cho rằng đây có thể là một trong những cơ sở tạo nên lợi nhuận đột biến trong năm 2015 của DCL.

FIT định hướng DCL sẽ nâng chuẩn nhà máy lên chuẩn châu Âu (PIC/S hoặc EU-GMP). FPTS đánh giá đây là kế hoạch không thực tế với nguồn lực rất hạn chế và trình độ sản xuất cũng như năng lực quản lý rất thấp hiện tại của DCL. Doanh nghiệp dược phẩm đang niêm yết lớn nhất ngành là Dược Hậu Giang (DHG – HOSE) cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định đi theo hướng này do yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, trình độ người lao động, tiêu chuẩn nhà máy…. Ngoài ra, một ví dụ điển hình về doanh nghiệp tiệm cận mức tiêu chuẩn EU-GMP này là Imexpharm (IMP – HOSE) cũng mất hơn 5 năm chuẩn bị và đầu tư mới có thể nâng tiêu chuẩn sản xuất của mình từ WHO-GMP lên EU-GMP vào cuối năm nay.

FIT lên kế hoạch tăng vốn gấp 4,56 lần từ mức 99 tỷ lên 452 tỷ trong quý 2 và quý 3/2015 thông qua 4 đợt phát hành cổ phiếu, bao gồm:

Đợt 1: Phát hành 145.788 cổ phiếu ESOP giá 15.000 đ/cp. Đợt 2: Phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 20.000 đ/cp. Đợt 3: Phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu cho FIT với giá 26.000 đ/cp. Đợt 4: Phát hành 20 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:8 cho cổ đông hiện hữu.

Với mức tăng vốn rất lớn như trên nhưng khi được hỏi về chi tiết kế hoạch sử dụng lượng vốn này, ông Sang đại diện cho DCL sử dụng 2 luận điểm: “Bí mật và thời cơ kinh doanh” và “sẽ bảo đảm quyền lợi cổ đông” để không trả lời chi tiết về vấn đề này.

Về triển vọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp dược phẩm, FPTS tin rằng DCL chỉ có thể thu hút các nhà đầu tư này khi đạt được tiêu chuẩn sản xuất quốc tế như PIC/S-GMP hay EU-GMP nêu trên. Với trình độ sản xuất và cơ sở vật chất thời điểm hiện tại, khả năng DCL được các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư góp vốn là rất thấp.

Về kế hoạch phát triển các dòng thuốc mới với biên lợi nhuận cao hơn, FPTS không đánh giá cao kế hoạch của DCL và FIT do dược phẩm là ngành kinh doanh đặc thù có điều kiện và chịu sử quản lý chặt chẽ của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), khác biệt hoàn toàn với nhóm “hàng tiêu dùng nhanh – FMCG” mà FIT đã có kinh nghiệm với Westfood và Sao Nam.