Lúc 07h05 giờ GMT, giá dầu Brent giao tháng 1/2015 giảm 1,31 USD xuống 59,75 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009.
Giá dầu WTI giao tháng 1/2015 giảm 1,06 USD xuống 54,85 USD/thùng.
Dầu thô tiếp tục giảm do hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm và các đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm mạnh, gây ra lo ngại về nhu cầu dầu mỏ giảm.
Số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 12 giảm lần đầu tiên trong vòng 7 tháng, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang yếu đi, theo đó tiếp tục kìm hãm giá dầu.
Giá dầu đã giảm gần 50% kể từ tháng 6 do sức cầu giảm trong khi nguồn cung tăng, nhưng Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho đến nay vẫn không chịu giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Các nhà phân tích cho rằng việc các nền kinh tế mới nổi đang yếu đi cùng với các đồng tiền của họ cũng góp phần khiến giá dầu giảm.
Tại Nga, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 6,5 điểm phần trăm lên 17% trong ngày 16/12 nhằm ngăn chặn đà giảm giá mạnh của đồng Rúp.
Tại Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã và đang can thiệp để hỗ trợ đồng Rupee đang giảm giá trong những phiên gần đây do việc thâm hụt thương mại gây ra.
Tại Indonesia, đồng Rupiah giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng USD do sự biến động trên các thị trường mới nổi tăng.
Theo Goldman Sachs, việc giảm giá mạnh của gần như tất cả các loại hàng hóa và sự suy yếu của đồng tiền các nước xuất khẩu hàng hóa tạo ra sự kìm hãm đối với nhu cầu dầu mỏ của các nước mới nổi sản xuất hàng hóa tại Mỹ Latinh và Trung Đông.