Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 5,39 điểm (-0,88%) xuống còn 605,27 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 139 mã giảm và 84 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,58 điểm (-0,72%) xuống 80,84 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 103 mã giảm và 201 mã đứng giá.
Về cuối phiên giao dịch, thị trường tiếp tục chịu áp lực bán khá mạnh, nhất là ở nhóm cổ phiếu lớn. Phiên hôm nay, các mã như BVH, VIC, MSN, VCB, ACB, VCG… đều đã chìm trong sắc đỏ và khiến cả hai chỉ số đều có mức giảm điểm tương đối mạnh.
Khép phiên giao dịch, BVH giảm 2.000 đồng xuống 58.000 đồng/CP. VCB giảm 800 đồng xuống 48.300 đồng/CP. VIC giảm 600 đồng xuống 44.500 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới cộng thêm tâm lý bất ổn của nhà đầu tư trong nước đã khiến các mã như GAS, PVD, PVS… giao dịch theo chiều hướng xấu. Trong đó, GAS giảm mạnh 1.000 đồng xuống 46.000 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 34.700 đồng/CP.
Chiều ngược lại, VNM vẫn cho thấy được sức mạnh với mức tăng 1.000 đồng lên 128.000 đồng/CP, tuy nhiên, một mình VNM là chưa đủ để vực dậy thị trường.
Đáng chú ý, dường như lực bán ở nhóm cổ phiếu lớn không mấy tác động tới các cổ phiếu thuộc nhóm ngành ô tô. Thậm chí về cuối phiên giao dịch, TMT còn được kéo lên mức giá trần. SVC cũng nới rộng đà tăng lên đáng kể.
Giao dịch trên thị trường trong phiên hôm nay diễn ra có phần ảm đạm hơn phiên trước, thanh khoản sụt giảm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó có khoảng 400 tỷ là của giao dịch thỏa thuận.
Mã FLC vẫn dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trên thị trường với hơn 23 triệu cổ phiêu được sang tên. Tuy nhiên, FLC phiên hôm nay không còn giữ được mức giá trần mà chỉ còn tăng 200 đồng lên 7.600 đồng/CP.
Phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng kiến một đợt rung lắc rất mạnh, chỉ số VN-Index có lúc giảm tới khoảng gần 6 điểm. Tuy nhiên, lực bán ngay sau đó đã suy yếu đi đang kể và giúp cả hai chỉ số thu hẹp được đà giảm. Trong đó VNM phiên sáng nay tăng 1.000 đồng lên 128.000 đồng/CP và là trụ đỡ khá tốt giúp chỉ số VN-Index không giảm quá sâu. Bên cạnh đó, một số mã lớn như KDC, FPT, NTP, ACB… cũng đã nhích lên trên mốc tham chiếu.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn như BID, CTG, VCB, VIC, MSN, GAS, PVS, PGS… vẫn đều chìm trong sắc đỏ. VCB giảm 200 đồng xuống 48.900 đồng/CP. GAS giảm 500 đồng xuống 46.500 đồng/CP. PVS giảm 200 đồng xuống 21.300 đồng/CP.
Mặc dù thị trường trong phiên sángdiễn ra có phần khá tiêu cực, tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn những điểm sáng đến từ các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ô tô vẫn cho thấy được sức mạnh của mình khi đều duy trì được đà tăng khá tốt. TMT tiếp tục tăng 3.000 đồng lên 56.500 đồng/CP. HTL tăng kịch trần. SVC tăng 1.500 đồng lên 32.900 đồng/CP.
Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay diễn ra vẫn chưa thực sự mạnh. Mã FLC tiếp tục là điểm sáng về thanh khoản trên thị trường, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,8 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, FLC tăng 300 đồng lên 7.700 đồng/CP. Trong khi đó, trên sàn HNX chỉ có duy nhất mã KLF khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,66 điểm (-0,27%) xuống 609 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 106 mã giảm và 118 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 71 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.210,9 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index đứng ở mức 81,21 điểm, tức giảm 0,21 điểm (-0,26%). Toàn sàn có 56 mã tăng, 94 mã giảm và 222 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22 triệu cổ phiếu, trị giá trên 203 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch mới, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đã đồng loạt giảm giá và tiếp tục kéo cả hai chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các cổ phiếu như BID, CTG, VIC, VCB, VCG, NTP… đều chìm trong sắc đỏ, mặc dù vậy, mức giảm của các mã này không quá lớn. Hiện tại, CTG đnag giảm 200 đồng xuống 20.500 đồng/CP. VIC giảm 200 đồng xuống 44.900 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu dòng dầu khí vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới. Các mã như GAS, PVD, PVS, PGS… đều đồng loạt giảm giá. GAS đang giảm 500 đồng xuống 46.500 đồng/CP. PVS giảm 200 đồng xuống 21.300 đồng/CP.
Giá dầu ngày 9/11 giảm 1%, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, do lo ngại lượng dầu lưu kho của Mỹ tăng và giá cổ phiếu trên Phố Wall giảm. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giao tháng 12/2015 giảm 42 cent, tương ứng 1%, xuống 43,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 12/2015 giảm 23 cent, hay 0,5%, xuống 47,19 USD/thùng.
Điểm sáng của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu ô tô. Các mã như SVC, TMT, HTL và HAX tiếp tục bứt phá mạnh. Trong đó, HTL đã được kéo lên mức giá trần. TMT tăng 2.500 đồng lên 56.000 đồng/CP. SVC tăng 1.100 đồng lên 32.500 đồng/CP.
Đáng chú ý, FLC đang giao dịch quanh mức giá trần và khối lượng khớp lệnh cũng đã tăng vọt lên hơn 8 triệu cổ phiếu.
HQC đang giảm 100 đồng xuống 6.400 đồng/CP và có thỏa thuận 5,35 triệu cổ phiếu, trị giá trên 34,7 tỷ đồng.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang giảm 2,41 điểm (-0,39%) xuống còn 608,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu cổ phiếu, trị giá trên 332 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,31 điểm (-0,38%) xuống 81,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 8,7 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 64 tỷ đồng.
VCBS cho rằng đà tăng vẫn được duy trì. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển trong thị trường và có dấu hiệu dịch chuyển từ các mã vốn hóa lớn sang các mã midcap và penny. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý tín hiệu không tích cực về giao dịch đang suy yếu dần của khối ngoại trong bối cảnh các rủi ro từ bên ngoài đang lớn dần, đặc biệt là khả năng FED có thể tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Theo đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng cần hạn chế việc mua đuổi. Những phiên điều chỉnh như vừa qua được nhìn nhận là cơ hội tốt để cơ cấu lại danh mục.
>>> Xem thêm: Dòng tiền sẽ chảy vào nhóm cổ phiếu midcap, penny trong nửa cuối tháng 11