Đại gia chơi trội: Biến siêu xe thành taxi

Một đại gia Đài Loan khiến nhiều người trầm trồ và kinh ngạc về độ chịu chơi khi biến siêu xe McLaren P1 trị giá hơn 1,5 triệu USD thành một chiếc taxi.

Hiện nay, trên thế giới, tại các nước như Nga, Dubai, Singapore và Indonesia, những "xế" sang như Porsche Cayenne, Maybach, Mercedes-Benz E-63, Porsche Boxster hay Ferrari Modena 360... được dùng làm taxi không còn là điều quá xa lạ.

Tuy nhiên, mới đây, một đại gia Đài Loan khiến nhiều người trầm trồ và kinh ngạc về độ chịu chơi khi biến siêu xe McLaren P1 trị giá hơn 1,5 triệu USD thành một chiếc taxi.

Trên xe không có dán số điện thoại để liên lạc nên một số người dự đoán đây chắc chắn chỉ là một trò vui mới của giới "lắm tiền, nhiều của" bên cạnh những kiểu trang trí xe vốn đã trở nên quen thuộc như mạ crome bóng loáng hay phủ vàng.

Theo thông tin, P1 là mẫu siêu xe mà McLaren trình làng tại Geneva Motor Show 2013.

 Đại gia chơi trội: Biến siêu xe thành taxi - 1

Đại gia khiến nhiều người trầm trồ và kinh ngạc về độ chịu chơi khi biến siêu xe McLaren P1 trị giá hơn 1,5 triệu USD thành một chiếc taxi.

Cạnh tranh trực tiếp với Porsche 918 Spyder và Ferrari LaFerrari, McLaren P1 hiện đã “cháy hàng”, tương tự hai đối thủ. Tại thị trường quốc tế, McLaren P1 được bán với giá lên đến 1 triệu Bảng, tương đương 1,5 triệu USD. Khi về Đài Loan, giá bán của McLaren P1 chắc chắn không dừng lại ở con số đó. Rõ ràng, chẳng ai muốn dùng siêu xe triệu đô và chỉ có đúng 375 chiếc được sản xuất để phục vụ thiên hạ. Đồng thời, người có thể mua McLaren P1 có lẽ cũng chẳng thiếu tiền mà phải chạy taxi kiếm cơm.

Với hệ dẫn động hybrid cực mạnh mẽ, McLaren P1 không phải là lựa chọn lý tưởng để làm taxi. Siêu xe McLaren P1 sử dụng phiên bản nâng cấp từ động cơ V8, tăng áp kép, dung tích 3,8 lít lấy từ người anh em 12C.

Động cơ tạo ra công suất tối đa 727 mã lực tại 7.300 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 531 lb-ft tại 4.000 vòng/phút. Bên cạnh đó là mô-tơ điện có công suất tối đa 176 mã lực và mô-men xoắn cực đại 192 lb-ft.

McLaren cho biết việc tăng cường động cơ điện cho phép hệ thống động cơ trên P1 có được nhiều tính năng hơn, giúp động cơ tăng áp trên siêu xe này hoạt động ổn định. Ngoài ra, hệ thống động cơ này còn giúp chiếc xe sang số nhanh hơn. Điều này đạt được nhờ việc tận dụng momen xoắn cực đại tức thời có được làm cho số vòng quay động cơ giảm một cách nhanh chóng và mang tới hiệu quả nhất để động cơ đạt tốc độ cần thiết cho việc sang số.

 Đại gia chơi trội: Biến siêu xe thành taxi - 2

Sức mạnh có sẵn từ hệ thống động cơ hybrid trên McLaren P1 được tăng cường hơn nữa thông qua công nghệ DRS – Hệ thống giảm lực cản, và IPAS – Hệ thống hỗ trợ sức mạnh tức thời, được điều khiển thông qua nút bấm trên vô-lăng, hệ thống đang được trang bị trên chiếc xe Công thức 1 của McLaren giúp siêu xe P1 giảm lực cản.

Khả năng tăng tốc của McLaren P1 được gia tăng nhờ việc giảm lực cản cộng với hỗ trợ từ cánh gió phía sau tương tự như trên chiếc xe đua Công thức 1 McLaren MP4-28, giúp giảm lực cản tới 23%. Hệ thống này có thể được ngắt thông qua nút bấm trên vô-lăng, hoặc khi lái xe đạp phanh.

Hệ thống phanh trên McLaren P1 được phát triển bởi Akebono, chuyên phát triển hệ thống phanh cho chiếc xe Công thức 1 của McLaren. Hệ thống phanh này gồm các đĩa phanh bằng carbon-ceramic mới lần đầu tiên được sử dụng trên một siêu xe thương mại. Không chỉ giúp kìm hãm cỗ máy tốc độ này, hệ thống phanh mới còn giúp chiếc xe có được hiệu quả sử dung nhiên liệu cao hơn, khả năng làm mát của hệ thống phanh này cũng tốt hơn.

Kết hợp với hệ thống phanh này là những chiếc lốp siêu dính Pirelli P-Zero Corsa. Nhóm nghiên cứu lốp xe tại Pirelli đã được tham gia vào suốt quá trình phát triển chiếc xe, và cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm có được từ việc sản xuất những chiếc lốp xe Công thức 1.

Toàn bộ khung gầm và thân siêu xe McLaren P1 được xây dựng từ chất liệu sợi carbon. Chiếc xe được xây dựng theo cấu trúc được McLaren gọi là MonoCage, cabin của McLaren P1 được xây dựng từ sợi carbon nguyên khối tạo thành một cái lồng an toàn cho những người ngồi trong xe. Cấu trúc MonoCage trên McLaren P1 không giống như cấu trúc MonoCell trên MP4-12C, cấu trúc này giúp luồng gió đi vào động cơ thông qua các hốc hút gió bên sườn xe và trên nóc xe nhiều hơn, tăng cường khả năng làm mát động cơ và các má phanh.

McLaren P1 mang thiết kế khí động lực học hoàn hảo, hệ số lực cản trên siêu xe này chỉ là 0,34, dù chiếc xe sinh ra áp lực xuống mặt đường tới 600 kg khi chiếc xe chạy ở tốc độ 320 km/h. Thiết kế khí động lực học của McLaren P1 có được một phần nhờ cánh gió lớn phía sau, cánh gió này có thể mở lên 30 cm để mang tới hiệu quả khí động lực học cao nhất.

Chất liệu sợi carbon có thể dễ dàng được thấy bên trong cabin của McLaren P1, cụm đồng hồ kỹ thuật số hoàn chỉnh lấy cảm hứng từ những chiếc xe đua cũng là điểm nhấn bên trong cabin McLaren P1. Màn hình này có nhiều chế độ hoạt động khác nhau, trong đó có chế độ đua, với những chiếc đèn chiếu sáng màu xanh lá cây, tiếp đó là màu đỏ và màu xanh dương. Những chiếc đèn ở số hiển thị giống như trên chiếc Công thức 1 của McLaren.

McLaren P1 chỉ có thiết kế hai chỗ ngồi, khác với thiết kế ba chỗ trên siêu xe McLaren F1 huyền thoại. Hệ thống pin lithium-ion nặng 90 kg của McLaren P1 được đặt giữa cabin và khoang động cơ của siêu xe này.

Tất cả kết hợp lại thành siêu xe McLaren P1 mạnh 903 mã lực và 664 lb-ft. Sức mạnh từ hệ dẫn động cho phép McLaren P1 tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,8 giây, 0-200 km/h trong 6,8 giây và 0-300 km/h trong 16,5 giây.