Mỗi doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ông chủ lớn từ các nước trong khu vực ASEAN. Bản thân mỗi doanh nghiệp Việt tùy theo từng lĩnh vực khác nhau sẽ phải đưa ra chiến lược cụ thể để tạo ra sức mạnh cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực ASEAN. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Chính, Phó CT HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn CMC tại buổi tọa đàm: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 – Chiến lược cạnh tranh nào cho doanh nghiệp Việt”: “Trong giai đoạn nền kinh tế mở cửa hội nhập, cơ hội và thách thức bao giờ cũng đan xen nhau. Thách thức đặt ra với CMC là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở các nước phát triển sẽ là áp lực lớn. Chúng tôi phải liên tục sáng tạo về ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống dịch vụ tốt, đưa ra phần mềm mang tính đột phá. Bên cạnh đó, chúng tôi có được lợi thế vì những sản phẩm của CMC đã vượt biên giới đến tất cả các nước trong khu vực từ mấy năm trước. Chúng tôi mang những phần mềm quản trị doanh nghiệp, phần mềm lập trình cùng nhiều chương trình hợp tác khác về công nghệ thông tin đến các nước trong khu vực. Vì vậy, khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 sẽ tạo cho chúng tôi sức bật để chúng tôi dễ dàng tiếp cận thị trường các nước hơn nữa.”.
c
Để doanh nghiệp Việt bắt kịp được tiến trình phát triển kinh tế trong cộng đồng ASEAN có lẽ là bài toán khó, bởi các nước khi bước vào sân chơi chung của khu vực, doanh nghiệp các nước đã có sự chuẩn bị trong khoảng thời gian rất dài. Còn doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại, lãnh đạo các doanh nghiệp một phần vì vừa vượt qua khó khăn trong thời gian dài nền kinh tế bị khủng hoảng, phần khác, người điều hành doanh nghiệp quá thờ ơ, chủ quan trước đối thủ lớn trong khu vực. Và khi nhắc đến thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt trước sự kiện hội nhập, ông Lê Vĩnh Sơn, CT HĐQT Cty Cổ phẩn Quốc Tế Sơn Hà, chia sẻ “Khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, thách thức đặt ra, thị trường Việt sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ doanh nghiệp các nước có công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Bản thân tôi phải nắm bắt nhanh chóng về sáng tạo sản phẩm với công nghệ và chất lượng tốt, thì mới có thể cạnh tranh được với các nước phát triển trong cộng đồng AEC. Bên cạnh thách thức thì cơ hội cũng đến rất nhiều, với chính doanh nghiệp tôi, cơ hội từ việc giảm thuế đã giúp tôi có thể dễ dàng đưa sản phẩm của công ty tiếp cận thị trường các nước AEC”.
Ông Lê Vĩnh Sơn, CT HĐQT Cty Cổ phẩn Quốc Tế Sơn Hà, chia sẻ tại tọa đàm.
Hội nhập hay không hội nhập là câu hỏi đặt ra trong sự trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Sự chuẩn bị từ phía doanh nghiệp thông qua tài điều hành của những nhà lãnh đạo trở thành yếu tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh cạnh tranh với các nước trong Cộng đồng AEC. Chính vì vậy, sự hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, và cũng là cơ hội để những lãnh đạo khẳng định tài quản trị của chính mình với bạn bè các nước.
Các diễn giả thảo luận tại Tọa đàm (từ trái sang phải):Bà Lê Hồng Bảo Trâm-Thư ký Tòa soạn Tạp chí NCĐT, ông Nguyễn Trung Chính-Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn CMC, bà Phạm Chi Lan-Chuyên gia Kinh tế, ông Lê Vĩnh Sơn-Chủ Tịch HĐQT công ty CP Quốc tế Sơn Hà.
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư cùng Tập đoàn Pernod Ricard Việt Nam tổ chức Lễ khởi động “ 50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp - Mark of Respect 2014” và tọa đàm “ Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 – Chiến lược cạnh tranh nào cho doanh nghiệp Việt” tại Sheraton Hà Nội. Sự kiện đã thu hút hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp Hà Nội đến tham dự. |