Sắp bước vào đợt IPO công ty mẹ song dư âm của những năm tháng khó khăn trước đây, cộng với hệ quả của việc chuyển giao một số đơn vị từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) năm 2010, vẫn đang đặt lên vai Tổng công ty Hàng hải Việt Nam những gánh nặng khổng lồ.
Chính thức bước vào tái cơ cấu năm 2013, đến nay, xử lý tài chính vẫn là vấn đề lớn nhất của ông lớn ngành vận tải biển. Theo báo cáo kiểm toán, riêng khoản bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhận bàn giao từ Vinashin trước đây và các đơn vị thành viên, Vinalines hiện gánh khoảng 11.000 tỷ đồng nợ. Trong khi đó, các đơn vị nhận bàn giao gồm Vận tải viễn dương (Vinashinlines), Công nghiệp tàu thủy Cà Mau và Dịch vụ hàng hải Hậu Giang vẫn góp thiếu vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng.
Các khoản nợ lớn vẫn đeo đuổi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Marine Traffic |
Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đến hết tháng 5/2012, dư nợ công ty mẹ phải trả tại các tổ chức tín dụng là 321 triệu USD, tương đương gần 6.690 tỷ đồng tại thời điểm đó. Vinalines còn cho biết có nợ trái phiếu 1.175 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).
Tuy nhiên, tại một báo cáo gửi Quốc hội năm ngoái, Chính phủ cho biết tính đến cuối năm 2013, Vinalines đang nợ các ngân hàng gần 48.000 tỷ đồng, đứng thứ tư sau các tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Than khoáng sản. Còn báo cáo mới nhất cũng gửi Quốc hội tháng trước lại thống kê số nợ của Vinalines đến hết năm 2014 đã giảm gần 16.000 tỷ đồng so với 2013, còn 32.282 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại báo cáo chuẩn bị cho hội nghị tổng kết 5 năm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của ngành giao thông, dự kiến sẽ diễn ra cuối tuần này, Vụ Quản lý doanh nghiệp cho hay tổng dư nợ của riêng công ty mẹ Vinalines là 17.362 tỷ đồng. Khoản này sẽ được thực hiện tái cơ cấu theo hướng khoanh nợ, mua lại... nhằm giảm nghĩa vụ trả nợ, giảm lãi phát sinh và kéo dài thời gian trả nợ.
Gánh trên vai khoản nợ lớn, đến hết năm 2014, Kiểm toán cho biết Vinalines đang âm vốn chủ sở hữu gần 10.800 tỷ đồng. Trong năm tài chính gần nhất, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn âm xấp xỉ 3.500 tỷ. Báo cáo này cũng cho biết hơn một nửa trong gần 40 đơn vị thành viên của Tổng công ty và đơn vị liên kết làm ăn có lãi, song tổng lợi nhuận chỉ đạt 900 triệu đồng. Trong khi đó,19 công ty còn lại vẫn lỗ hơn 4.300 tỷ.Tổng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 được Kiểm toán công bố đã vượt mức 24.000 tỷ.
Về tài sản, đội tàu của công ty mẹ đã sụt giảm giá trị trên 3.500 tỷ đồng, trong khi con số này của một số công ty con chủ lực như Biển Đông giảm gần 900 tỷ, Vận tải biển Việt Nam sụt hơn 570 tỷ…
Mặc dù 2014 được coi là năm khá thành công trong tái cơ cấu tài chính cũng như thoái vốn của Vinalines, song nguồn thu từ chuyển nhượng một số cảng trọng yếu hơn 4.100 tỷ cũng chưa bằng một nửa tổng nợ 8.700 tỷ đồng của các đơn vị này.
Kiểm toán cũng lo ngại, khó khăn sẽ còn đeo đuổi khi phần lớn các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục thua lỗ kéo dài, đã và đang có nguy cơ mất vốn, phải giải thể, phá sản.Ngoài ra, kế hoạch phá sản một số doanh nghiệp trong giai đoạn 2013-2015 theo đề án tái cơ cấu như Vinashinlines hay Falcon cũng trong tình trạng chậm tiến độ.