Cổ phiếu Vinamilk có đáng giá 167.000 đồng?

(NDH) Bất chấp việc một công ty đồ uống có tên tuổi của Singapore bác bỏ tin sẽ mua lại phần vốn nhà nước tại Vinamilk, cổ phiếu VNM của công ty vẫn tăng mạnh, góp phần khiến chỉ số VN-Index có phiên tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng.

Trước giờ giao dịch ngày 3/11, trên thị trường xuất hiện thông tin tập đoàn đồ uống Fraser & Neave Limited (F&N) của Singapore đã đánh tiếng mua lại 45,1% cổ phần nhà nước mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) dự định thoái khỏi Vinamilk với giá 4 tỷ USD. Tuy nhiên, F&N sau đó đã có phản hồi trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), cho biết hãng chưa có đề nghị nào đối với cả Vinamilk hay SCIC.

Báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời một nguồn tin từ Vinamilk cho biết việc F&N đánh tiếng quan tâm đến Vinamilk là có thật và động thái phủ nhận của F&N trước các thông tin trên là hoàn toàn bình thường do đến nay chưa có bất kỳ một bản hợp đồng nào được ký kết để xúc tiến thương vụ trên. Hơn nữa, các thương vụ mua bán lớn thường cần nhiều thời gian và phải trải qua nhiều thủ tục.

Thực tế, tập đoàn đồ uống của Singapore này đã nắm giữ 11% cổ phần tại Vinamilk thông qua công ty con là F&N Dairy Investment. Đây cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất và hiện có một đại diện trong Hội đồng quản trị của Vinamilk.

Nếu đúng như F&N có ý chào mua 45,1% cổ phần của Vinamilk với giá 4 tỷ USD, mỗi cổ phiếu của Vinamilk theo đó sẽ được định giá ở mức trên 160.000 đồng, cao hơn nhiều mức 120.000 đồng đóng cửa ngày 2/11, trước khi có tin đồn về thương vụ này.

Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) – cho rằng mức giá 160.000 đồng không phải là cái gì đó quá xa vời đối với VNM.

“Giá 160.000 đồng có thể bây giờ chưa được, nhưng 2-3 năm tới có thể đạt được (trước chia tách). Ví dụ 2-3 năm tới, mỗi năm chia cổ tức 20-30%, cộng với tách cổ phiếu, thì giá 120.000 đồng của 2-3 năm sau nó phải tương ứng với 160.000 đồng”, ông phân tích, cho rằng về bản chất thì không có gì khác nhau.

“Với nước ngoài họ có thể mua giá 160.000 đồng (mỗi cổ phiếu) để làm cổ đông dài hạn, nắm quyền chi phối đối với 1 thương hiệu lớn đầu ngành, gần như toàn bộ ngành sữa Việt Nam, thì đó là điều bình thường, không có gì là bất ngờ đối với Vinamilk cả”.

Ông Hoàng cho rằng việc F&N phủ nhận thông tin là theo chiều hướng có thể họ không mua ngay, chứ không phải họ không cân nhắc mua, vì thương vụ lớn như thế cần có thời gian.

Trưởng phòng phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) - ông Trần Thăng Long – cũng có đánh giá rất cao về Vinamilk.

“Thực ra, Vinamilk lâu nay được đánh giá là cổ phiếu tốt nhất Việt Nam về mặt cơ bản và dài hạn. Đến giờ này cũng chưa thấy có cổ phiếu nào có vị thế tương ứng với Vinamilk,” ông Long đánh giá.

Sau khi F&N bác bỏ tin chào mua, cổ phiếu VNM vẫn tăng mạnh và chốt phiên tăng 5,1% lên 123.000 đồng/ cổ phiếu với khối lượng giao dịch lớn (2,4 triệu cổ phiếu), đưa vốn hóa của công ty lên 147.681,5 tỷ đồng, tiếp tục là cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất Việt Nam.

Bình luận về động thái của F&N, ông Long cho rằng: “Thực ra tin đó có hay không, theo quan điểm của cá nhân tôi, thì nên hiểu rằng cái cơ bản của doanh nghiệp đó quan trọng hơn là cái ai mua, hay mua giá nào. Đấy là cái thị trường quyết định.”

Ông Long cho biết thêm Vinamilk năm nay tăng trưởng rất mạnh, kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận, khi giá nguyên liệu đầu vào đang giảm, quy mô của công ty đang lớn hơn rất nhiều so với trước.

Hồi tháng 9 vừa qua, Vinamilk đã được hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's đưa vào danh sách 100 doanh nghiệp lớn nhất ASEAN về vốn hóa.

Trong một thông báo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) cho biết cổ phiếu của Vinamilk đã chạm mức mục tiêu 1 năm được đặt ra ở mức 120.000 đồng. SSI Research trước đó dự báo lợi nhuận của Vinamilk sẽ tăng trưởng 24% trong năm nay, nhưng sau khi kết quả kinh doanh 9 tháng được công bố tốt hơn dự đoán, SSI Research cho biết sẽ nâng dự báo đối với kết quả kinh doanh cả năm của Vinamilk.