Cổ phiếu ngân hàng nổi loạn: Không sợ Thông tư 36 !

(NDH) Ngay trong đầu năm 2015 dòng cổ phiếu NH đã tạo ra sóng lớn. Theo chuyên gia phân tích của KIS, nguyên nhân tăng điểm của cổ phiếu NH là do các yếu tố cơ bản về kì vọng kinh tế và lợi nhuận chứ không phải đẩy giá để "chạy " Thông tư 36

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng đầu năm. Ảnh minh họa

Tính từ đầu năm đến ngày 28/1, hai mã BID, CTG có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 50% và 35,5%

Đặc biệt trong phiên giao dịch chiều 28/1, các mã như BID, CTG, VCB, STB, MBB, EIB, SHB và ACB có sự bứt phá rất mạnh. Cụ thể, BID và CTG đều đã được kéo lên mức giá trần và có giao dịch rất sôi động. Khép phiên giao dịch, BID khớp lệnh trên 7,6 triệu đơn vị, còn CTG khớp hơn 5,7 triệu đơn vị.

MBB tăng mạnh 600 đồng lên 14.900 đồng/CP và bất ngờ vươn lên dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE, đạt hơn 8,5 triệu đơn vị. SHB tăng 500 đồng lên 9.300 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt gần 11,7 triệu đơn vị.

Trao đổi với NDH về việc cổ phiếu tăng mạnh trong tháng đầu năm 2015, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích của CTCP chứng khoán KIS Việt Nam đã có những nhận định riêng.

PV: Ngay từ cuối năm 2014 dòng tiền đã đổ dồn vào các cổ phiếu ngân hàng, trong tháng 1/2015 dòng cổ phiếu này bất ngờ bứt phá với mức tăng điểm mạnh. Theo ông, vì sao các mã cổ phiếu ngân hàng lại tăng trưởng mạnh trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực?

Ông Bạch An Viễn: Kinh tế năm 2015 với nhiều dự báo lạc quan về GDP và FDI chắc chắn khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế kéo theo sự tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng và khả năng giải quyết nợ xấu. Hơn nữa năm 2014 theo kết quả kinh doanh công bố, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt. Đây có thể là yếu tố cơ bản khiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng lên.

Đồng thời, năm 2015 là năm cuối cùng để thực hiện đề án “tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng”. NHNN đang quyết liệt trong việc thúc đẩy các ngân hàng sáp nhập và ban hành các quy định mới để lành mạnh hóa hệ thống. Quyết tâm giảm mức nợ xấu cũng thấy rõ, hàng loạt các phương án sáp nhập ngân hàng đã được công bố.

Nhìn vào thị trường có thể thấy rõ một yếu tố quan trọng giúp giá cổ phiếu ngân hàng đi lên đó là gần đây, khối ngoại có động thái mua ròng tích cực với nhiều mã cổ phiếu ngân hàng.

PV: Trong ngày 28/1, các cổ phiếu CTG, BID, MBB, SHB bất ngờ tăng cao. Riêng CTG và BID được kéo lên ở mức trần? Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?

Ông Bạch An Viễn: Về mặt định giá, những ngân hàng như CTG, BID đang có thị giá thấp hơn so với VCB và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp từ đó có thể tiếp tục thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ mang tính tạm thời.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng dòng cổ phiếu ngân hàng tăng là do tâm lí các nhà đầu tư trước ngày có hiệu lực của thông tư 36, đẩy giá lên cao rồi thoái vốn?

Ông Bạch An Viễn: Tôi cho rằng cổ phiếu ngân hàng tăng là chuyện thường, tức là do các yếu tố cơ bản về kì vọng kinh tế và lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay chứ không phải tác động của Thông tư 36. Thông tư 36 là một yếu tố tích cực, theo tôi về lâu dài thông tư sẽ khiến thị trường tốt hơn, lành mạnh hóa thị trường.

PV: Theo ông, dòng cổ phiếu ngân hàng tăng có khả năng dẫn dắt thị trường trong năm nay không?

Ông Bạch An Viễn: Về việc dẫn dắt thị trường đi lên, tôi cho rằng khó bởi trong năm nay có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Triển vọng năm nay Vn-index có thể tăng lên 650 điểm nhưng quá trình này diễn ra sẽ rất khó khăn bởi nhìn vào thị trường trong thời điểm này vẫn chưa thấy có một động lực nào đủ mạnh ngoài các kì vọng vào GDP hay FDI...

Việc cổ phiếu ngân hàng tăng giá chắc chắn giúp cho thị trường không có diễn biến quá xấu khi mà gần đây trên thị trường chỉ có dòng cổ phiếu này chỉ có dòng cổ phiếu này sôi động. Nhìn về lâu dài chắc chắn nếu như nhóm này chững lại thì thị trường sẽ có xu hướng điểu chỉnh.

Xin cám ơn ông!