Cổ phiếu ngân hàng hút tiền

Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán trên sàn TP HCM chỉ tăng 6,2% nhưng cổ phiếu nhóm ngân hàng lớn đã tăng từ tăng 14% đến 37%.

Sau nhiều năm chìm với nợ xấu, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng (NH) chợt thăng hoa, thu hút nhiều tiền của nhà đầu tư, nhờ đó giá cổ phiếu nhóm này đã tăng khá mạnh.

Tăng vượt trội

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27-1, cổ phiếu NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) khớp lệnh 6,3 triệu đơn vị, cổ phiếu NH TMCP Công Thương Việt Nam (mã CTG) khớp 4,4 triệu đơn vị, cổ phiếu NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị; còn cổ phiếu NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (mã EIB) trong 3 ngày qua đã giao dịch trên 100 triệu đơn vị, trị giá khoảng 1.400 tỉ đồng.

Nhờ đạt lợi nhuận khá cao trong năm qua nên cổ phiếu ngân hàng thu hút nhiều tiền của nhà đầu tư. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Nhờ đạt lợi nhuận khá cao trong năm qua nên cổ phiếu ngân hàng thu hút nhiều tiền của nhà đầu tư. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy

Sở dĩ cổ phiếu NH thu hút mạnh dòng tiền là do năm qua lợi nhuận đạt khá cao. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của VCB mới đây, lãnh đạo NH cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2014 của NH này đạt 5.680 tỉ đồng, tăng 2% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra; nợ xấu giảm về mức 2,29% (tương đương 7.407 tỉ đồng). BID cũng đạt lợi nhuận trước thuế 6.065 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước và nợ xấu chỉ ở mức 1,8%. Một số NH TMCP khác như: ACB, Sacombank... cũng đạt nhuận khả quan.

Nhờ lợi nhuận hấp dẫn nên giá cổ phiếu nhóm NH lớn đã tăng vượt trội. Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán trên sàn TP HCM chỉ tăng 6,2% nhưng mã BID đã tăng từ 12.700 đồng lên 17.400 đồng (tức đã tăng 37%); mã CTG từ 13.900 đồng đã lên 17.500 đồng, tăng 26%; còn mã VCB từ 31.900 đồng lên 36.300 đồng, tăng 14%. Có được kết quả tích cực trên vì ngay từ đầu năm 2014, các NH đã dự báo trước khả năng phát triển tín dụng và hướng đến các sản phẩm dịch vụ tiện ích để triển khai sản phẩm tín dụng mới, cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay theo hạn mức tín dụng với hộ sản xuất...

Nợ xấu chưa hạch toán đầy đủ?

Dù nhiều NH báo lãi lớn ngoài dự kiến, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, đây chỉ là một phần trong bức tranh lợi nhuận ngành, khi vẫn còn một số NH hoạt động khó khăn do nợ xấu cao, tín dụng tăng kém. Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu, nói: "Tôi cảm thấy bất ngờ trước hàng loạt thông tin về lãi lớn của các NH thương mại trong bối cảnh tín dụng chỉ khởi sắc những tháng cuối năm, nợ xấu cao và các NH phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý, chi phí vốn rất cao và ế vốn...". Lý giải về lợi nhuận NH đạt mức cao, ông cho rằng nợ xấu đến nay vẫn chưa được hạch toán đầy đủ trên bảng cân đối kế toán do Thông tư 09 của NH Nhà nước về phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới áp dụng từ đầu năm 2015. Quyết định 780 của NH Nhà nước về giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ được cơ cấu lại cũng chính thức hết hiệu lực từ tháng 4-2015.

"Nợ xấu chưa thể hiện đầy đủ và lợi nhuận của các NH trong năm 2014 chưa bị tác động nhiều. Nhưng qua năm 2015, bức tranh lợi nhuận sẽ rất khó khăn khi Thông tư 36 của NH Nhà nước quy định về giới hạn, tỉ lệ an toàn hoạt động của NH thương mại được áp dụng, siết cho vay cổ phiếu ảnh hưởng đến tín dụng và xử lý sở hữu chéo NH" - TS Hiếu nói. Ngoài ra, bức tranh của nền kinh tế vẫn còn khá trì trệ khi năm qua có hơn 60.000 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, lạm phát thấp cho thấy tổng cầu yếu sẽ là rào cản để ngành NH xử lý nợ xấu.