Về cuối phiên sáng, lực bán có phần tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, BĐS…, điều này đã khiến sắc đỏ của hai chỉ số bị nới rộng đáng kể.
Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường như BID, CTG, VCB, MBB, SHB, ACB… đều đồng loạt giảm giá. VCB giảm 500 đồng xuống 47.000 đồng/CP. CTG giảm 300 đồng xuống 20.300 đồng/CP. Phiên sáng nay, STB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh, với mức tăng nhẹ 100 đồng lên 12.600 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản như VIC, ITA, KBC, HQC, HAR, NVT… đều chìm trong sắc đỏ. Khép phiên sáng, VIC giảm 700 đồng xuống 43.600 đồng/CP. DLG giảm 300 đồng xuống 9.100 đồng/CP. HAR, HQC và ITA đều có mức giảm 100 đồng.
Tương tự như các phiên trước, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch theo chiều hướng tiêu cực do chịu ảnh hưởng từ giá dầu thế giới.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh vẫn duy trì khá tốt trên các mã như VNM, GMD, SHS, NTP… Trong đó, VNM tăng 2.000 đồng lên 139.000 đồng/CP. GMD tăng 800 đồng lên 40.000 đồng/CP. Được biết, lỗ chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của GMD nhưng nhờ hoạt động kinh doanh chính, ông lớn ngành logistics ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý III này. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 122 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng diễn ra khá sôi động và có phần đóng góp rất lớn từ các giao dịch thỏa thuận. Kết thúc phiên sáng, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 73,5 triệu cổ phiếu, trị giá trên 1.594,5 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là hơn 441 tỷ đồng. Trên sàn HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 26 tỷ đồng, tương ứng hơn 243 tỷ đồng.
Về mặt điểm số, VN-Index chốt phiên sáng giảm 3 điểm (-0,49%) xuống 608,27 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng, 137 mã giảm và 96 mã đứng giá. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,5 điểm (-0,61%) xuống 81,07 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 99 mã giảm và 221 mã đứng giá.
Thị trường bước vào phiên giao dịch mới với những diễn biến khá thận trọng. Trong đó, sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu lớn đang có phần chiếm ưu thế và khiến hai chỉ số đang lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu. Hiện tại, các cổ phiếu như VIC, VCB, MSN, BID, CTG, VCG… đều đồng loạt giảm giá.
Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng từ sự tiêu cực của giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PGS… tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Được biết, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn Nymex (WTI) rớt 1.01 USD/thùng (tương ứng 2.4%) xuống 40.74 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu mất tổng cộng khoảng 8%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đà giảm sâu tới 9.6% trong tuần kết thúc ngày 13/13.
Hiện tại, GAS đang giảm 300 đồng xuống 43.300 đồng/CP. PVD giảm 600 đồng xuống 32.600 đồng/CP.
Chiều ngược lại, nhờ lực đỡ của một vài cổ phiếu lớn khác như VNM, STB, NTP… nên cả hai chỉ số vẫn không bị giảm quá sâu. Trong đó, VNM tiếp tục tăng 1.000 đồng lên 138.000 đồng/CP và vẫn là nhân tố chủ chốt giúp thị trường giữ được trạng thái cân bằng.
Giao dịch khớp lệnh trên thị trường đang diễn ra khá ảm đạm, trong khi đó, ngay từ đầu phiên, MWG đã có thỏa thuận tới 4,4 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, tương ứng giá trị giao dịch là 365,2 tỷ đồng. Hiện tại, MWG đang đứng ở mức giá tham chiếu.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang giảm 1,41 điểm (-0,23%) xuống 609,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 512 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cùng thời điểm cũng giảm 0,26 điểm (-0,32%) xuống 81,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 52 tỷ đồng.
VCBS chưa thấy những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng bền vững của thị trường trong khi rủi ro đang lớn dần lên, đặc biệt là khi nhà đầu tư chấp nhận mở vị thế mới ở các vùng giá cao tại các cổ phiếu đã liên tục tăng nóng. VCBS cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng giữ ổn định tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, quan sát thêm thị trường và cần hạn chế tối đa hành động mua đuổi. Ngoài ra với việc hàng loạt các mã vốn hóa lớn như VIC, MSN, VCB, … công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ở mức lạc quan, thị trường tuần tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa cao với trọng tâm là các mã có thông tin hỗ trợ.