“Cổ phần hóa đã tăng tốc trở lại!"

Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho rằng, những trường hợp chậm trễ triển khai CPH, cần được xử lý nghiêm như một số bộ, ngành thời gian qua, qua đó mới “thúc” được tiến độ CPH, cũng như nâng cao mức độ thành công cho các đợt IPO.

Kết quả CPH 10 tháng đầu năm bằng cả năm 2013 và bằng 3/4 giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, nếu so với con số 432 DN phải CPH đến năm 2015 và số DNNN tiếp tục rà soát để bổ sung phương án sắp xếp, CPH thì kết quả trên còn khá khiêm tốn, thưa ông?

Nếu so sánh kết quả CPH trong năm 2014 với các năm trước đây, thì rõ ràng trong năm qua tiến độ CPH đã được tăng tốc trở lại sau nhiều năm trầm lắng. Đây là kết quả khả quan nhất tính từ năm 2011 đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của các cấp, các ngành được làm rõ. Do thể chế được ban hành đầy đủ, đồng bộ, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong CPH thời gian qua, nên không còn tình trạng đổ lỗi cho CPH chậm do thiếu cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả CPH đạt được trong năm 2014 so với kế hoạch phải hoàn thành CPH 432 DN trong giai đoạn 2014-2015, thì công việc còn lại trong năm 2015 rất nặng nề, do số lượng DN phải hoàn thành CPH còn lại là khá lớn gần 300 DN.

Trong năm qua, các đợt IPO đa phần thu hút sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) trong nước, chưa có nhiều NĐT tiềm năng chiến lược nước ngoài tham gia. Theo ông, cần phải làm gì để đem các cơ hội cho các nhà đầu tư sẽ CPH trong năm 2015?

Cơ hội đầu tư nhiều, nhưng các cơ hội này có hấp dẫn hay không chủ yếu là do người bán hàng (DN CPH) tạo ra, chứ bản thân ngành nghề DN hoạt động không đủ tạo ra sức hút với NĐT. Điều quan trọng đầu tiên là DN phải minh bạch thông tin, mở lòng chào đón NĐT tìm hiểu thông tin về DN. Theo quy định mới tại Luật Quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước đầu tư vào DN, có hiệu lực từ năm 2015, sẽ tạo bước tiến mới về minh bạch thông tin đối với DNNN, khi đặt ra các yêu cầu DNNN phải minh bạch thông tin như DN đại chúng, công ty niêm yết.

Điều này nghĩa là trước và sau khi DN tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng IPO, nghĩa vụ minh bạch thông tin của DN không quá chênh lệch như hiện tại. NĐT sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong tìm hiểu, nắm bắt thông tin về suốt quá trình hoạt động trong một thời gian dài của DN. Việc nâng cao ý thức minh bạch thông tin của DN liên quan chặt chẽ đến trách nhiệm của những người đứng đầu DN. Do đó, năm 2015 cần tăng cường giám sát, đánh giá minh bạch thông tin của DN gắn với hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu DN. Trong trường hợp họ không hoàn thành nghĩa vụ này, cũng như chậm trễ trong chỉ đạo tổ chức triển khai CPH, thì cần xử lý nghiêm như kinh nghiệm của một số bộ, ngành thời gian qua, qua đó mới thúc đẩy được tiến độ CPH, cũng như nâng cao mức độ thành công cho các đợt IPO.

Điều các DN cũng cần lưu ý là phải tạo được niềm tin với giới đầu tư về tính xác thực của quá trình xác định giá trị DN, đảm bảo không có yếu tố "bong bóng" trong quá trình định giá. Các DN cũng cần đổi mới cách thức chào bán cổ phần trong các đợt IPO. Thay vì chỉ tổ chức các buổi giới thiệu về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, khi muốn thu hút NĐT nước ngoài chẳng hạn như NĐT ở khu vực Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, thì phải đến các khu vực này để tổ chức quảng cáo, giới thiệu. Để nâng cao mức độ thành công cho các đợt IPO, các DN CPH còn cần phối hợp với các Sở Giao dịch Chứng khoán, đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò nhu cầu của NĐT, thị trường trước khi tổ chức IPO. Nếu thị trường có nhu cầu tốt, thì mới tổ chức IPO, ngược lại thì cần tìm cơ hội tốt, chứ không phải IPO bằng mọi giá, khiến hiệu quả chưa cao như một số đợt IPO trong thời gian qua.

Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần định kỳ công khai danh sách các DN CPH trong từng giai đoạn nhất định, thưa ông?

Kiến nghị này của NĐT là hợp lý. Sở dĩ việc này chưa được tiến hành thời gian qua là do quy định mới về phân loại danh mục DN mà Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối mới được ban hành. Các bộ, ngành đang rà soát, điều chỉnh lại danh sách DN CPH.

Từ năm 2015, cơ quan quản lý sẽ cố gắng cập nhật, công khai danh mục DN trong diện CPH đến rộng rãi thị trường, công chúng đầu tư, để họ thuận lợi hơn trong tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thêm 100 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa

Theo rà soát của Ban Chỉ đạo đổi mới DNNN, số DN phải CPH tới thời điểm hiện nay đã tăng thêm 100 DN phải cần CPH. Như vậy, tổng số DNNN phải CPH trong cả giai đoạn 2014-2015 là 534 DN.

Ban chỉ đạo cũng đề ra thời hạn tiến hành các bước CPH với các DNNN chưa thực hiện nhiệm vụ, để đảm bảo được phê duyệt phương án CPH chậm nhất là quý IV-2015.

Như ông đã nói, gánh nặng dồn vào năm 2015 là rất lớn, liệu có thể hoàn thành kế hoạch CPH 432 DN hay không, thưa ông?

Chính phủ đã quyết sẽ hoàn thành kế hoạch CPH đề ra, nên dứt khoát các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải quyết liệt vào cuộc, để tổ chức triển khai thành công kế hoạch CPH giai đoạn 2014-2015 như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, một giải pháp mới đã được Chính phủ chỉ ra và sẽ được tập trung thực hiện trong năm 2015 là ngoài các DN có điều kiện tiến hành IPO, thì tiến hành IPO ngay, còn những DN chưa có điều kiện IPO thì vẫn chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động… Sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, DN sẽ tập trung tìm kiếm cổ đông chiến lược, để đợi khi thị trường chứng khoán phục hồi rõ nét hơn, sẽ tiến hành IPO nhằm vừa nâng cao giá trị DN, vừa tránh tạo áp lực tăng cung hàng hóa trên thị trường do mật độ các đợt IPO dày đặc trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, để hoàn thành kế hoạch CPH trong năm 2015, đòi hỏi Ban chỉ đạo CPH của các bộ, ngành, UBND các tỉnh phải quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc các DN triển khai kế hoạch CPH theo đúng lộ trình đã đề ra, qua đó định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo lên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Bộ Tài chính, để kịp thời có hướng chỉ đạo, nhằm hoàn thành CPH 432 DN.

Tính đến tháng 11-2014, đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành 2.415 tỷ đồng. Mặc dù con số này tăng 2,5 lần so năm 2013, tuy nhiên với tốc độ này, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể hoàn thành theo kế hoạch. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Năm 2014, tốc độ thoái vốn tăng cao hơn năm trước, nhưng so với yêu cầu, khối lượng vẫn chưa đạt được. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15-9-2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN với những giải pháp cụ thể và năm 2015 chính là lúc Quyết định này đi vào cuộc sống, chắc chắn việc thoái vốn sẽ nhanh hơn. Nội dung này đã được đưa vào một trong những nội dung trọng tâm của việc đánh giá kết quả của sắp xếp, đổi mới cũng như kết quả hoạt động của người đứng đầu DN.

Khi giải pháp có rồi, nếu DN không làm thì Ngân hàng Nhà nước và SCIC sẽ tham gia. Qua nắm bắt, các TĐ, TCT cũng đã tính phương án, trong trường hợp không đấu giá được, không bán được trên thị trường thì tiến hành bán cho các đối tác trên.

Về kỹ thuật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ và tới đây các trình tự sẽ được rà soát lại sao cho thông thoáng nhất, nhanh nhất nhưng vẫn chặt chẽ. Chúng ta đưa ra những thủ tục đúng quy định pháp luật trong thời gian ngắn nhất đảm bảo cho người mua yên tâm.

Xin cảm ơn ông!