Theo Điều 10 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, điều kiện về kim ngạch XNK đề được xem xét, công nhận DN ưu tiên như sau: a) Doanh nghiệp XNK đạt kim ngạch 100 triệu USD/năm; b) Doanh nghiệp XK hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đạt kim ngạch 40 triệu USD/năm; c) Doanh nghiệp XK hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam đạt kim ngạch 30 triệu USD/năm; d) Đại lý thủ tục hải quan có số tờ khai làm thủ tục hải quan trong năm đạt 20.000 tờ khai/năm. |
Điều này cộng với điều kiện về kim ngạch đã được nới hơn so với trước đây sẽ mở ra cơ hội lớn để nhiều DN được tham gia và hưởng lợi ích từ chương trình tạo thuận lợi đặc biệt này của cơ quan Hải quan.
Tăng cơ hội, tăng cạnh tranh
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)- đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình DN ưu tiên, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2015, đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá và hoàn thiện hồ sơ để trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan công nhận thêm cho 5 DN, nâng số DN đang được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan lên con số 32. Sự khởi đầu là rất khả quan, nhưng vẫn có ý kiến lo ngại số lượng DN nộp hồ sơ tham gia Chương trình chưa nhiều nên cơ quan Hải quan đang có ít sự lựa chọn đối tượng để ra quyết định công nhận.
Tuy nhiên, theo phân tích của một cán bộ Cục KTSTQ đã đồng hành với Chương trình này từ nhiều năm qua, điều này không đáng lo ngại. Bởi, với chủ trương của Tổng cục Hải quan về tăng số lượng DN được công nhận trong năm 2015 và những thay đổi về điều kiện kim ngạch nên số lượng DN nằm trong diện được xem xét sẽ tăng lên nhiều so với trước đây. Theo một khảo sát của Cục KTSTQ vào năm 2013, thì có tới khoảng 1.000 DN đáp ứng các điều kiện về kim ngạch để được xem xét công nhận. Hơn nữa, từ đó đến nay, quy mô hoạt động của DN đã tăng lên nhiều và điều kiện kim ngạch đã giảm đi nên chắc chắn con số nằm trong diện này cũng phải vượt xa mức khảo sát năm 2013. Điều này sẽ mang đến sự cạnh tranh nhất định với các DN, bởi không phải đối tượng DN nào đáp ứng được điều kiện về kim ngạch cũng được công nhận là DN ưu tiên mà còn phải xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là tiêu chí về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Sự cạnh tranh này một mặt giúp cơ quan Hải quan lựa chọn được những DN tiêu biểu để áp dụng chế độ ưu tiên, mặt khác cũng giúp cho các DN hoàn thiện, minh bạch hơn trong quá trình hoạt động và nó không chỉ có tác động tích cực giúp DN tham gia Chương trình DN ưu tiên mà còn là điều kiện tốt để thúc đẩy việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nằm ở chỗ DN đã tự tin để nộp đơn đến cơ quan Hải quan hay chưa.
Theo quy định mới của Luật Hải quan 2014, các DN hoạt động trong lĩnh vực đại lý hải quan cũng được xem xét để công nhận DN ưu tiên với một trong những điều kiện phải có số tờ khai tối thiểu 20.000 tờ khai/năm. Theo lý giải của một cán bộ Cục KTSTQ, để đáp ứng điều kiện này nghĩa là đại lý phải đứng tên trực tiếp trên các tờ khai. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đại lý hải quan chỉ làm dịch vụ mà không trực tiếp đứng tên trên tờ khai hải quan hoặc đứng tên trên một tỷ lệ rất nhỏ. Qua một khảo sát mới đây cơ quan Hải quan chưa thấy đại lý nào đáp ứng được điều kiện này. Nhưng về lâu dài, khi hoạt động của các đại lý chuyên nghiệp hơn và thấy được lợi ích rõ rệt của Chương trình chắc chắn sẽ có đại lý được công nhận.
Xúc tiến công nhận lẫn nhau với Hải quan các nước
Bên cạnh việc chú trọng việc xem xét, đánh giá và công nhận thêm DN ưu tiên, năm 2015 cơ quan Hải quan cũng đang xúc tiến việc công nhận chế độ ưu tiên lẫn nhau với Hải quan một số nước để nâng cao hơn tiện ích của Chương trình. Theo Cục KTSTQ, đối tượng mà chúng ta đang nhắm đến để đàm phán hợp tác là những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta và có trình độ quản lý Chương trình DN ưu tiên khá tương đồng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động XK của DN và đảm bảo việc hợp tác, tạo thuận lợi cho DN thực hiện bình đẳng, minh bạch.
Hiện nay, Cục KTSTQ đang tiến hành chuẩn bị tài liệu và những báo cáo, phân tích liên quan để trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét quyết định. Mặc dù việc triển khai thực tế còn cần thêm thời gian, nhưng chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích để nâng tầm cho Chương trình DN ưu tiên, thúc đẩy hoạt động của Hải quan Việt Nam hòa nhịp vào các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đặc biệt là hiện thực hóa các cam kết về thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Theo Điều 43 Luật Hải quan 2014, chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp gồm: 1. Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật. 2. Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan. 3. Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế. |