Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 vừa diễn ra.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII.
Không thêm cơ hội cho Goldman Sachs
Nói về câu chuyện trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ), CII dường như đang mắc kẹt trong khoản TPCĐ đối với Goldman Sachs (GS). Đây là một nhà đầu tư quốc tế đã đến với CII cách đây 5 năm, khi tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi xuống và kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn.
Trong khi GS, với tổng tài sản quản lý lên đến trên 800 tỷ USD, nổi tiếng với những khoản đầu tư khôn ngoan luôn làm bất ngờ giới đầu tư quốc tế bởi các khoản lợi nhuận kếch xù được thu về thì CII lại bị thị trường đánh giá là công ty hạ tầng "tầm tầm" có doanh thu và lợi nhuận cùng tiềm năng tăng trưởng chỉ ở mức trung bình. Thế nhưng cái bắt tay ngoạn mục giữa GS và CII vẫn xảy ra. Theo đó, CII đã phát hành thành công 40 triệu USD TPCĐ có kỳ hạn 5 năm cho GS, với những thỏa thuận công bằng cho cả hai.
Lúc bấy giờ, rất nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi vì sao GS lại bắt tay với một công ty như CII. Và chìa khóa giải đáp cho quyết định đầu tư của GS chỉ có thể là "rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao".
Cũng chính vì lý do đó, hiện GS còn 25 triệu USD TPCĐ với giá chuyển đổi 18.800 đồng/cổ phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 27/1/2016 nên GS đã ngỏ ý muốn gia hạn thời gian đáo hạn thêm 1 năm, tức dời lại ngày đáo hạn vào ngày 27/1/2017. Tuy nhiên, hội đồng quản trị (HĐQT) CII cho biết, xét về mặt tích cực CII tiếp tục duy trì được thương hiệu GS tại CII thêm một năm nữa. Qua đó, tiếp tục khẳng định với các nhà đầu tư, nhất là khối ngoại về mối quan hệ giữa CII với các tổ chức tài chính lớn.
Tuy nhiên, xét về mặt tiêu cực, nhiều nhà đầu tư rất quan ngại đến khối lượng cổ phiếu có khả năng được GS chuyển đổi từ TPCĐ. Bởi đây là cổ phiếu có giá vốn rẻ so với mặt bằng chung của thị trường. Đặc biệt, qua đợt CII tiếp xúc với nhà đầu tư tại Mỹ vào đầu tháng 9/2015. Gần như 100% các nhà đầu tư quan tâm về số TPCĐ này và họ chờ cho đến khi nào CII xử lý xong số cổ phiếu này thì mới xem xét đầu tư vào CII. Rõ ràng, với các quan ngại nói trên, các cổ đông hiện hữu của CII sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất vì giá cổ phiếu CII (thực chất là khoản đầu tư của các cổ đông CII) sẽ rất khó gia tăng khi câu chuyện TPCĐ của GS chưa kết thúc.
Với phân tích trên, CII cho rằng, nếu gia hạn thời gian chuyển đổi cho GS thì công ty CII sẽ được lợi và cổ đông sẽ chịu thiệt. Nếu không gia hạn thì cổ đông sẽ được lợi và công ty sẽ phải chịu thiệt. Kết quả, hơn 73% cổ đông đã không thông qua phương án này.
Một cổ đông khẳng định, không nên gia hạn cho GS vì lý do chính: Thứ nhất, nếu CII có đủ nguồn vốn thì không cần phải gia hạn; Thứ hai, phía GS nếu họ gia hạn sẽ có lợi vì giá chuyển đổi hiện tại đối với họ là khoảng 18.800 đồng/cổ phiếu, còn thị giá cổ phiếu hiện tại của CII đã là 24.300 đồng/cổ phiếu. Nếu họ gia hạn thêm một năm và với đà tăng trưởng của CII thì giá của năm sau sẽ có thể tiếp tục tăng và lúc đó họ sẽ có lợi. Nhưng xét về phía cổ đông và công ty thì hoàn toàn bất lợi. "Đặc biệt, giờ CII nếu muốn thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài thì nên xử lý "cục nợ" này. Bởi nhà đầu tư vào CII lo ngại sẽ bị pha loãng cổ phiếu nếu GS đáo hạn vào năm sau, theo tôi nghĩ đó là rủi ro", cổ đông này nói.
Ông Lê Quốc Bình cũng chia sẻ, qua những đợt phát hành TPCĐ và liên quan tới việc quản trị tài chính, với tư cách là người điều hành, ông khẳng định CII sẽ không bao giờ phát hành TPCĐ nữa. Nếu có phát hành thì mỗi năm giá chuyển đổi phải tăng khoảng 15%.
"Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề mua TPCĐ của CII, tôi đề nghị mua giá cao hơn thị trường 30%, mỗi năm tăng giá chuyển đổi 15%. Chẳng thà phát hành cho cổ đông, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông phải là những người hưởng lợi", ông Bình cho biết.
Doanh thu chính của CII đến từ dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.
Nâng cổ tức từ 14% lên 16%
Chia sẻ tại đại hội, ông Bình vui vẻ nói, do lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ năm nay sẽ đạt khoảng 900 tỷ đồng theo tình hình hoạt động hiện nay, vượt 94,8% so với kế hoạch lợi nhuận 2015 đã đề ra là chỉ ở mức 462 tỷ đồng. Do đó, HĐQT quyết định điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 từ 14% lên 16%.
Nhiều ý kiến cổ đông cho rằng, tính đến hết quý 3, LNST của CII đạt 865 tỷ đồng, nhưng cả năm CII chỉ ước đạt 900 tỷ đồng như vậy là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, mặc dù hết quý 3, CII đạt được con số 865 tỷ đồng nhưng cả năm chỉ ước đạt khoảng 900 tỷ đồng như vậy là hợp lý vì để dùng hạch toán cho các năm sau, nếu không sẽ tạo ra sự biến động về tài chính không tốt cho CII.
Ông Bình nói thêm, CII cũng đã đặt kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn 2016-2018 về doanh thu tăng 147%, lợi nhuận sau thuế tăng 47,5%. Cụ thể, năm 2016 CII ước đạt doanh thu 3.020 tỷ đồng, LNST cổ đông công ty mẹ 847 tỷ đồng và chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.907 đồng.
Giải trình về nguyên nhân ước đạt LNST năm 2016 thấp hơn 2015, ông Bình giải thích rằng, trong năm sau, CII sẽ bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ khiến giảm một khoản lãi tương ứng. Đối với năm 2017, CII ước đạt doanh thu 5.028 tỷ đồng, LNST đạt 1000 tỷ đồng và EPS 4.610 đồng. Đặc biệt, năm 2018, doanh thu sẽ ước đạt tới 7.500 tỷ đồng, LNST ước đạt 1.250 tỷ đồng và EPS đạt 5.760 đồng.
Hoạt động kinh doanh dự kiến giai đoạn 2015-2018 của CII.