Chưa có bất cứ một thống kê nào về giấc ngủ của các doanh nhân Việt, nhưng theo chia sẻ của một vài người trong cuộc, cũng như những chủ doanh nghiệp khác trên thế giới, họ thường ngủ rất ít. Mức bình quân cho giấc ngủ của CEO một số công ty lớn như Pepsi, Yahoo, Networks, Twitters… trên thế giới là khoảng 3 - 4 giờ mỗi đêm. Ở Việt Nam, con số này cũng được coi là “mức sàn”, với phần cộng khoảng 1 - 2 giờ cho một số nhân vật. Thậm chí, trong một vài trường hợp cần phải đưa ra những quyết định quan trọng, việc thức xuyên đêm đối với những doanh nhân này là chuyện bình thường.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank nói vui: “Phải ngủ đủ mới làm việc hiệu quả” khi được hỏi về giấc ngủ trong ngày. Tuy vậy, doanh nhân này cũng thừa nhận, mức đủ của ông chỉ khoảng 5 - 6 tiếng, ít hơn so với mức trung bình của người bình thường khoảng 3 tiếng. Thường, sau khi kết thúc các công việc cần làm, ông sẽ đi ngủ trước 12h đêm và thức dậy vào sáng sớm hôm sau. Trong các giai đoạn cao điểm phải giải quyết nhiều việc, ông "chi" ít thời gian hơn cho việc ngủ.
Thời điểm ACB lâm vào biến động vào năm 2012, những người đứng trong HĐQT và ban điều hành lúc nào cũng trong tình trạng khẩn cấp. Một nhân vật trong ban điều hành của ACB cho biết, giai đoạn đó, các cuộc họp nội bộ được tổ chức thường xuyên. Có những cuộc họp còn kéo dài đến đêm, những lãnh đạo của nhà băng này đều dốc sức để giải quyết công việc nên giấc ngủ cũng gần như là điều gì đó xa xỉ. Một lãnh đạo ACB cho biết, giai đoạn đó, giải quyết sự cố được đặt lên hàng đầu.
Đối với các doanh nhân, thời gian đúng nghĩa là vàng, bạc vì thế mà giấc ngủ của họ cũng thường ngắn hơn so với người bình thường. Ảnh minh họa.
Về chuyện ngủ của đại gia Việt, giới doanh nhân vẫn chưa quên một nhân vật đình đám trên thị trường đã sa vào vòng lao lý là Nguyễn Đức Kiên. Danh xưng “Kiên đầu bạc” của nhân vật này có xuất phát điểm từ những đêm không ngủ để theo dõi biến động giá vàng. Nghiệp kinh doanh gắn với những phân tích, hạch toán và số liệu… cũng là nguyên nhân chính khiến cho giấc ngủ của những người kinh doanh, trong đó có Nguyễn Đức Kiên trở nên “chập chờn”.
Thói quen hoạch định thời gian ngay không chỉ được các doanh nhân Việt thực hiện với giấc ngủ, mà còn với công việc cần làm hàng ngày. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, thường thức khá khuya và dậy sớm vào sáng hôm sau. Ông không ngủ nhiều, chỉ khoảng vài tiếng mỗi đêm. Cũng có những thời điểm, trong một ngày, doanh nhân này tranh thủ chợp mắt khoảng vài chục phút. Thời gian còn lại, ông dành cho công việc. Một trong những sở thích của ông là đọc sách. Cho đến lúc trở thành doanh nhân bận rộn, ông Phú vẫn duy trì thói quen nói trên. Ông chia sẻ, mỗi khi đọc được cuốn sách hay, bản thân sẽ học được nhiều điều từ đó.
Với thành viên HĐQT độc lập ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) - ông Nguyễn Trí Hiếu, thời gian trong ngày phần lớn là dành cho công việc. Ông thường dậy rất sớm vào buổi sáng, ngồi thiền trước khi đến cơ quan làm việc. “Khi ngồi thiền, tôi tìm được cảm giác thanh tịnh. Những hỉ, nộ, ái, ố sẽ dần mất đi, thay vào đó là tâm trạng sảng khoái, để bắt đầu một ngày làm việc đầy hứng khởi”, ông nói. Ông Hiếu thường kết thúc công việc vào khoảng 20 - 21h. Riêng những ngày cuối tuần, doanh nhân này dành thời gian cho các sở thích riêng như đi chơi với bạn bè hoặc đi xem phim. Về giấc ngủ, vị doanh nhân, chuyên gia này cho biết, chỉ khoảng 6 tiếng mỗi ngày.
Giấc ngủ tuy ngắn, nhưng theo nhiều doanh nhân, vẫn cần phải đủ để đảm bảo sức khỏe. Một phó giám đốc ngân hàng cổ phần tại TP.HCM chia sẻ, giấc ngủ và hiệu quả công việc không có quan hệ biện chứng tuyệt đối. “Không thể bảo tôi ngủ ít mà hiệu quả công việc tạo ra lớn hơn những người ngủ nhiều”, ông bày tỏ. Vì thế vị doanh nhân này vẫn ngủ khoảng 7 tiếng mỗi đêm, trừ những thời điểm đặc biệt cần thức để giải quyết công việc. Theo ông, ở Việt Nam, những người làm công việc kinh doanh thường có xu hướng ngủ ít hơn, nhưng chắc chắn không thể so sánh với những CEO vĩ đại của thế giới. Ông cho rằng sự so sánh là khập khiễng vì giá trị và lợi ích của những giấc ngủ 3 - 4 tiếng từ CEO các công ty nước ngoài cũng lớn gấp nhiều lần so với những gì CEO Việt tạo ra.