Đóng cửa ngày 9/11, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,96% lên 19.642,72 điểm – mức cao nhất kể từ cuối tháng 8.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,58% lên 3.648,42 điểm. Tuần trước, chỉ số này đã có bước nhảy vọt khi tăng 6%.
Ngược lại, chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ 0,1%, chứng khoán Australia giảm 1,83%, chứng khoán Hàn Quốc giảm 0,75%.
Thị trường Trung Quốc tăng mạnh sau khi số liệu xuất khẩu ảm đạm của Trung Quốc đang tạo ra đồn đoán rằng chính quyền nước này có thể buộc phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế.
Cuối tuần qua, Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nước này đã ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp. Giá trị xuất khẩu tính theo đồng USD trong tháng 10 của nước này giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước – tồi tệ hơn mức dự đoán là giảm 4,1% theo một cuộc thăm dò của Wall Street Journal.
Ở Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng đang đánh giá tác động của thông báo điều chỉnh kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm phát hành IPO, sau khi lệnh này được đưa ra từ tháng 7 do một đợt bán tháo cổ phiếu.
Lịch sử cho thấy, kể từ năm 1990, thị trường này đã 5 lần giảm, 4 lần tăng trong thời gian cơ quan điều hành chứng khoán Trung Quốc cho phép các công ty thực hiện IPO.
Ông Louis Lu - nhà quản lý quỹ tại CSOP Asset Management - nhận định rằng các nhà điều hành Trung Quốc đang tin tưởng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi nên họ mới cho phép phát hành IPO.
Ông cho rằng số liệu xuất khẩu của Trung Quốc có thể gây áp lực với chính quyền nước này, buộc họ phải đẩy mạnh kích thích kinh tế.
Nhà quản lý quỹ này cho rằng thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại cho tới tháng 12, trước khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất.