Ông Ati Atikul, Giám đốc điều hành, Khối chứng khoán phái sinh CTCK Maybank Kim Eng tại Thái Lan - Ảnh: Huyền Trâm.
Theo dự kiến chứng khoán phái sinh sẽ được triển khai từ năm 2016. Việt Nam chọn học hỏi việc triển khai sản phẩm này từ thị trường Thái Lan.
Trong hai ngày 12-13/11, UBCKNN đã phối hợp với Tập đoàn Maybank KimEng tổ chức hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về chứng khoán phái sinh" nhằm giới thiệu, đào tạo về chứng khoán phái sinh cho các thành viên thị trường, qua đó giúp giới đầu tư tại Việt Nam sớm làm quen với sản phẩm này.
Vậy khi triển khai chứng khoán phái sinh, Việt Nam liệu có khác gì so với Thái Lan. Sản phẩm này liệu có trở nên yên ắng như nhiều sản phẩm, công cụ khác đã được áp dụng trên thị trường…?
Bên lề hội thảo, ông Ati Atikul, Giám đốc điều hành, Khối chứng khoán phái sinh CTCK Maybank Kim Eng tại Thái Lan cho biết, tại Thái Lan trước khi sản phẩm bắt đầu được triển khai thì sở giao dịch đã đào tạo cho các công ty chứng khoán, từ đó các công ty chứng khoán đào tạo lại cho các nhà đầu tư. Số lượng các buổi hội thảo giới thiệu được tổ chức thường xuyên, qua đó sản phẩm được biết đến trước khi được triển khai.
Vị giám đốc này cho biết, khi mới giao dịch thì khối lượng thấp nhưng chỉ 1 tháng sau thì thanh khoản đã tăng mạnh lên.
"Lúc đầu, khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ chiếm đến 80%. Sau đó một thời gian khoảng 2-3 năm, nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều và đẩy lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân giảm và chỉ còn chiếm khoảng 55-60%, 20-30% là các tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15-20% còn lại", ông Ati Atikul chia sẻ.
Khác với Thái Lan, sản phẩm chứng khoán phái sinh triển khai tại Việt Nam được cho là sẽ thu hút nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Ông Ati Atikul cho rằng điều này rất tốt cho thị trường, bởi vì khối lượng giao dịch của khối nhà đầu tư tổ chức rất nhiều, theo đó sẽ thu hút được nhà đầu tư cá nhân quan tâm và đi theo.