Chủ tịch Vietcombank kiến nghị nới room ngoại ngân hàng lên 35%

Chủ tịch Vietcombank kiến nghị nới room ngoại ngân hàng lên 35%

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành xu thế thời đại và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô tài sản.

Từ năm 2000 đến nay, số chi nhánh và TCTD đã tăng từ 19 lên 89, số công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán, bảo hiểm tăng từ 27 lên 187 tổ chức. Quy mô hệ thống tài sản của hệ thống tài chính hiện chiếm 174% GDP, tuy nhiên so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn.

Về mặt cơ cấu, hệ thống ngân hàng chiếm vị trí chi phối với quy mô tín dụng và tổng tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm đến 90%. Tính đến thời điểm gần nhất, tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng chiếm 160% GDP.

Trong những năm qua, số lượng các ngân hàng nước ngoài cũng đã từng bước hiện diện vào Việt Nam; tham gia và hội nhập quốc tế, dịch vụ tài chính sẽ dần được tự do hóa nhằm đảm bảo các nước thành viên bình đẳng trong tiếp cận thị trường, bình đẳng đối xử.

Theo ông Thành, lộ trình tự do hóa tài chính ngân hàng, tự do hóa luân chuyển vốn trong khu vực cũng đã được xác lập theo phương thức 1 tiến trình và 2 hành lang. Tức là các nước ASEAN-5 : Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia sẽ triển khai trước sẽ tự do hóa trước và các quốc gia còn lại sẽ tự do hóa sau.

Theo dự báo của ANZ, quy mô tài sản hệ thống ngân hàng của các nước ASEAN 10 sẽ đạt 40,5 ngàn tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên 84 ngàn tỷ vào năm 2030.

Về lãi suất, ông Thành cho biết cách đây 5 năm, lãi suất tiền vay từ 20-25% nay chỉ còn 8-9%, giảm 2/3 so với cách đây 5 năm. "Rõ ràng, lãi suất đã giảm sâu, giảm mạnh không phải giảm từng bước", ông nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra hệ thống tài chính còn mất cân đối khi phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Quy mô vốn còn nhỏ bé, khuôn khổ pháp lý và năng lực quản trị còn cách biệt so với khu vực khi độ mở hệ thống tài chính tăng lên sẽ dễ bị tổn thương trước các cú shock từ bên ngoài.

Ở từng ngân hàng, thách thức lớn nhất là sự bất cân xứng về năng lực quản trị và năng lực tài chính. So với các nước phát triển, hầu hết các định chế tài chính tại Việt Nam còn non trẻ đang trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi, quy mô vốn nhỏ và hiệu suất sinh lời thấp.

Từ đó, ông đưa ra ba đề xuất. Thứ nhất, cần tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các ngân hàng nâng cao quy mô về vốn. Một trong những hạn chế của ngân hàng hiện nay là vốn còn nhỏ bé, mức độ đủ vốn thấp.

Thêm vào đó, các ngân hàng đang chuẩn bị áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro. Theo quy định của NHNN, trước mắt 10 ngân hàng thí điểm mức độ, tiêu chuẩn vào năm 2016 và áp dụng đầy đủ vào năm 2019 với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn. Do đó việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức quan trọng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế.

Ngoài ra, kiến nghị cho phép các Ngân hàng TMCP Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt và sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ.

Thứ hai, có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các ngân hàng từ 30-35%. Với nhu cầu tăng vốn trong thời gian tới thì tỷ lệ sở hữu của NĐTNN cũng cần xem xét tiếp tục nới. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP nhà nước vì hiện nay ngân sách thì không có nếu không giảm tỷ lệ của Nhà nước thi rất khó để tăng vốn. Đồng thời có chế tài đối với các ngân hàng không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn trong trường hợp không đáp ứng được buộc phải sáp nhập, hợp nhất thậm chí là cho phá sản.

Thứ ba, NHNN cần hoàn thiện pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC và các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, ...