Theo ông Takehiko NakaoChủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á- ADB, những năm 90 Nhật Bản cũng trải quả khủng hoảng kinh tế trong đó xử lý nợ xấu là vấn đề quan trọng và cần nhiều thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, khác với điều kiện của kinh tế Nhật Bản khi đó rơi vào suy thoái, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có sự cải thiện hơn, lãi suất giảm dần, tỷ giá được ổn định, GDP danh nghĩa tăng trưởng dương. Vì vậy, chủ tịch ADB đánh giá triển vọng xử lý nợ xấu ở Việt Nam là tích cực.
"Việt Nam đang sử dụng đồng thời 3 biện pháp để xử lý nợ xấu là sử dụng VAMC mua lại các khoản nợ xấu của NHTM; siết chặt và yêu cầu phân loại tài sản, trích lập dự phòng chính xác và phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Đây là biện pháp xử lý nợ xấu đúng hướng của NHNN" - ông Takehiko Nakao nói
Đối với câu hỏi về sự hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam trong xử lý nợ xấu, ông Takehiko Nakao cho biết ADB không có khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho VAMC trong vấn đề này. Tuy nhiên, hàng năm ADB vẫn có khoản vay hỗ trợ dành cho Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Đây là những khoản hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách, không trực tiếp cho VAMC xử lý nợ xấu nhưng gián tiếp ADB đã giúp đỡ Việt Nam về vấn đề này” – ông Takeihiko Nakao nói.
Một vấn đề cũng được chủ tịch ADB quan tâm trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam là thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua nhiều phương pháp hỗ trợ trong đó đẩy mạnh thực hiện dự án đối tác công – tư (PPP). Theo chủ tịch ADB, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình.
Ông Nakao khuyến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện một cách có hiệu quả nhưng luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh”.
Lấy ví dụ tại Trung Quốc, các ngân hàng chủ yếu của Nhà nước thường muốn cho các DNNN vay vốn thay vì cho DN tư nhân nên khả năng tiếp cận vốn của DN tư nhân rất hạn chế. ADB trong thời gian tới sẽ hỗ trợ hệ thống DN tư nhân đặc biệt là các DNVVN tăng khả năng tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hỗ trợ kỹ thuật nâng cao chất lượng hoạt động kế toán của DN, nâng cao mức độ tín nhiệm của DN với ngân hàng. .
Hiện ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng nghị định quản lý PPP theo hướng đảm bảo cạnh tranh, minh bạch. Mặc dù trong một số trường hợp nhất định, Chính phủ có thể chỉ định nhà thầu nhưng vẫn phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án.
“PPP không phải cây đũa thần để xử lý mọi vấn đề. Điều quan trọng khi triển khai dự án PPP là chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro cân bằng giữa chính phủ và doanh nghiệp. Do đó ADB mong muốn và để ngỏ đấu thầu cạnh tranh với các dự án PPP trong quá trình xây dựng nghị định này” – ông Takehiko Nakao kết luận.
Hiện ADB đã dành 20 triệu USD cho quỹ Chuẩn bị Dự án PPP để sáng lọc dự án PPP khả thi, đồng thời thành lập một văn phòng Manila điều phối dự án, hỗ trợ kỹ thuật các dự án PPP.
Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, chủ tịch ADB nhấn mạnh Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự hấp dẫn được các nhà đầu tư. Vấn đề thu hút đầu tư không chỉ ở chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế mà Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh minh bạch bình đẳng; cùng với cải cách, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm ra cho nhà đầu tư.
ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 1,3 tỷ USD/năm thông qua các chương trình cho vay đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục, quản lý tài nguyên nước, dịch vụ đô thị,...