Chủ tịch Chi hội Gas miền Trung, ông Nguyễn Ngọc Mân cho biết, hơn 30% vỏ bình gas đang lưu thông trên thị trường đã được hoán cải từ vỏ bình trôi nổi rồi khoác lên mình chiếc áo mới có tên là những thương hiệu. Trước đây, mỗi thương hiệu gas gắn liền với một màu sơn vỏ bình đặc trưng và người tiêu dùng (NTD) đã quen thuộc với việc nhận biết thương hiệu gas qua màu sắc.
Ví dụ gas Petrolimex có màu xanh hòa bình, ELF gas có màu đỏ, còn PetroVietnam gas có màu tím. Vậy là để ăn theo những thương hiệu gas có tên tuổi được NTD tin tưởng lâu nay, một số hãng gas hoặc đại lý chiết nạp đã không ngần ngại cho ra đời thêm những vỏ bình có màu xanh hòa bình của Petrolimex hoặc đỏ của ELF với đủ kiểu van cổ bình có thể lắp chung.
Tiếp tay cho gas nhái hoành hành là đội ngũ các nhân viên chở gas sẵn sàng đánh lừa NTD để giao bình gas nhái nhưng thu tiền bình gas thương hiệu, đồng thời hưởng chênh lệch giá từ 70 đến 100 ngàn đồng/vỏ bình. Hậu quả chẳng những NTD chịu thiệt vì phải dùng bình gas chất lượng nội địa với giá gas nhập khẩu, mà các đại lý bán gas chính hãng cũng kêu trời vì khi NTD muốn chuyển lại bình gas chính hãng thì vỏ bình gas nhái thu về phải chịu lỗ, đôi khi phải bán sắt vụn.
Lãnh đạo Cty gas Petrolimex Đà Nẵng, thương hiệu chiếm hơn 35% thị phần tại Đà Nẵng cho biết, Cty đang rất đau đầu với cuộc chiến chống gas nhái. Đặc điểm của người dùng gas thường chú trọng vào màu sơn hoặc chữ “petro” vì thế đã bị các đối tượng giao gas, các đại lý hám lợi tiếp tay để “qua mặt”.
Đơn cử khi người dùng gọi một bình gas Petrolimex tới, người giao gas mang tới bình màu xanh, có chữ petro của một Cty nào đó sau đó tính tiền như giá bán bình gas của Petrolimex chính hãng nhập khẩu. Nếu người dùng không để ý thì giao dịch trót lọt, người giao gas được hưởng chênh lệch gần 100 ngàn đồng/bình. Ngược lại nếu người dùng thắc mắc thì lập tức người giao gas cho biết đây là mẫu mới của gas Petrolimex. Tình trạng này hiện rất phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.
Mỗi vỏ bình gas nhập khẩu đủ tiêu chuẩn tung ra thị trường có giá khoảng 450 ngàn đồng, tuy nhiên mức giá này rất cao nếu giữ nguyên thì các hãng gas sẽ khó phát triển thị trường. Vì vậy, các hãng thường quy định giá cược vỏ bình trên dưới 200 ngàn đồng/vỏ. Hãng nào muốn chiếm lĩnh thị trường lớn sẽ tung ra số lượng vỏ bình lớn. Song, đây cũng là dịp để các hãng gas nhỏ, các Cty, doanh nghiệp gas khác thu gom vỏ bình trái phép rồi về cắt tai, mài chữ của thương hiệu gas nổi tiếng để “khoác áo mới” cho vỏ bình gas. Việc thu gom vỏ bình trái phép này làm suy yếu tiềm lực của các hãng gas chân chính, chưa kể việc cắt tai, mài vỏ bình mà quen gọi là “luộc” sẽ làm vỏ bình gas mỏng đi, không đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tại miền Trung, việc thu gom vỏ bình trái phép diễn ra phức tạp với hàng loạt vụ việc đã bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện. Nổi bật như vụ chi nhánh Cty Petro Miền Trung tại Quảng Trị thu gom trái phép 127 vỏ bình của các hãng gas nổi tiếng, vụ thu gom vỏ bình trái phép của gas Long Phụng (Kon Tum), vụ tịch thu hơn 300 vỏ bình gas gom trái phép của Cty cổ phần dầu khí Quảng Bình...
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện có khoảng 15 hãng gas và 33 trạm chiết nạp gas đang hoạt động tại Đà Nẵng, miền Trung. Các hiện tượng gas giả, gas nhái đặc biệt là việc thu gom vỏ bình trái phép để hoán đổi đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hãng gas với QLTT mới có thể ngăn chặn hiệu quả. Ngoài ra, vai trò của chi hội Gas miền Trung hết sức quan trọng trong việc là đầu mối để cung cấp thông tin, đấu tranh với các hiện tượng gas giả, nhái.
>>>Tổng đại lý gas ngồi trên… lửa
Theo Hải Quỳnh