Và gần đây là quan điểm của ông về chính sách tiền tệ. Những nỗ lực làm giảm giá đồng Yên của ông Abe đã làm dấy lên đồn đoán về một cuộc chiến tranh tiền tệ tại châu Á, dựa trên giả định rằng Trung Quốc và Hàn Quốc cũng sẽ cố gắng giảm giá các đồng tiền nội tệ của họ nhằm duy trì khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình.
Kim Moo-sung, một lãnh đạo đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, mới đây vừa kêu gọi chính phủ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Một số người coi động thái cắt giảm lãi suất gần đây của Trung Quốc là hành động đáp trả vì nó khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá.
Tuy nhiên, may mắn là khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện, giống như sự đối đầu quân sự, lại thấp hơn nhiều so với những tín hiệu đáng báo động đó.
Ông Abe đã kêu gọi giảm giá đồng Yên để hỗ trợ xuất khẩu của Nhật Bản ngay cả trước khi ông nhậm chức vào cuối năm 2012. Theo lời đốc thúc của ông, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thông qua một chính sách "nới lỏng định lượng" – tạo tiền để mua trái phiếu, với hy vọng thúc đẩy lạm phát. Điều này đã liên tiếp tác động vào đồng Yên, khiến đồng tiền này giảm hơn 20% so với đồng Nhân dân tệ và đồng Won kể từ đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Nhật Bản đã gần như không tăng trưởng và chắc chắn không phải là do sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực. Điều đó có thể thấy được khi xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng khoảng 20% trong 2 năm qua, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản lại giảm 2%.
Sự mất kết nối giữa xuất khẩu của Nhật Bản và đồng Yên có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều công ty sản xuất Nhật Bản đã chuyển cơ sở ra nước ngoài trong những năm gần đây. Theo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 1/3 sản lượng của các công ty Nhật Bản hiện được làm ở nước ngoài, tăng so với mức chỉ hơn 1/10 ghi nhận được trong những năm 1980. Một đồng Yên yếu không phải là chất kích thích đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản trong trường hợp này.
Thứ hai, mặc dù đồng Yên yếu cho phép các công ty Nhật Bản giảm giá hàng xuất khẩu tính theo ngoại tệ mà không làm giảm thu nhập của họ tính theo đồng Yên, nhưng rất ít công ty làm như vậy. Thay vào đó, họ vẫn liên tục duy trì giá quốc tế và bỏ túi thêm nhiều Yên. Xuất khẩu của Nhật Bản đã không tăng về khối lượng trong 3 năm, nhưng lại tăng hơn 20% về giá trị.
Tuy nhiên, đồng Yên có thể tiếp tục giảm do Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang tăng quy mô nới lỏng định lượng. Xuất khẩu của Nhật Bản rốt cuộc có thể bắt đầu tăng trưởng: khối lượng xuất khẩu trong tháng 10/2014 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Sau khi hãng sản xuất ôtô Hyundai của Hàn Quốc công bố lợi nhuận quý 3 giảm mạnh, giám đốc tài chính của hãng đã nói rằng việc đồng Yên giảm giá là một trong những quan ngại lớn nhất của công ty này. Nhưng đồng Yên giảm cũng là một lý do thuận tiện. Khoảng 2/3 sản lượng của Hyundai được làm ra ở nước ngoài. IMF tính toán rằng mức độ nhạy cảm của hàng xuất khẩu Hàn Quốc đối với tỷ giá Won/Yên đã giảm một nửa kể từ những năm 1990.
Đồng Yên giảm giá đã thúc đẩy một ngành công nghiệp của Nhật Bản: du lịch. Du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng 27% trong năm nay. Hàng ngàn đại lý trực tuyến của Trung Quốc cũng đã xuất hiện, chào mua hàng hóa tại Nhật Bản để mang về Trung Quốc nhằm khai thác việc đồng Yên yếu và trốn thuế nhập khẩu. Một tìm kiếm trên trang mua sắm trực tuyến Taobao cho thấy hơn 1 triệu sản phẩm của Nhật Bản sẵn có trên đó.
Nếu các nhà xuất khẩu Nhật Bản giảm giá trên diện rộng, đồng Yên yếu có thể tạo sự thúc đẩy lớn hơn cho nền kinh tế. Nhưng điều đó sẽ lại tạo áp lực lên chính đồng Yên.
Ngoài ra, phải nhớ rằng mục tiêu tối hậu của việc thử nghiệm chính sách tiền tệ của Thủ tướng Abe là để kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát và tạo ra tăng lương. Điều đó khác xa với hành động của các nước láng giềng là giảm giá đồng tiền để tăng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Lee Ju-yeol, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, mới đây nói rằng mối lo ngại về đồng Yên là "hơi quá mức". Câu này cũng có thể dùng để nói về cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay ở Châu Á.