Chỉ 6% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao

Theo thống kê của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, hiện có trên 80% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức lạc hậu, chỉ có 5 – 6% sử dụng công nghệ cao.

Tại buổi hội thảo khoa học "Tổ chức, đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ" do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 24/3, nhiều đại biểu nhận định kết quả ứng dụng và đổi mới khoa học công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình

Hiện nay, Đông Nam Bộ đang là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước khi chiếm khoảng 49% tổng kim ngạch xuất khẩu và 46% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhất các xí nghiệp công nghiệp trong cả nước với đa dạng các ngành.

 - 1

80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình

Số liệu của Bộ Khoa học & Công nghệ cho thấy, khu vực Đông Nam Bộ là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, chiếm đến 57% trong tổng số 9.764 dự án. Điều này đã mở ra một lợi thế về khả năng nhập khẩu công nghệ mới, hiện đại thông qua các doanh nghiệp FDI này.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp hiện vẫn đang sở hữu công nghệ sản xuất từ trung bình đến lạc hậu, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường.

Theo thống kê của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, hiện có trên 80% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức lạc hậu, chỉ có 5 - 6% sử dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do chính sách của Nhà nước ta chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xét duyệt còn rườm ra, mất thời gian.

"Nhiều trường hợp doanh nghiệp xin vay vốn để đổi mới công nghệ, nhưng mất tới nữa tháng đến một năm mới được phê duyệt, chưa kể thời gian nhận được vốn vay. Điều này đã khiến các doanh nghiệp ngại tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ mà vẫn tiếp tục tận dụng các thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu".

Một vấn đề khác cũng được đại biểu Vân Anh, Sở Khoa học & Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa ra, đó là việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ mới của doanh nghiệp trong nước. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được các doanh nghiệp nghiên cứu ra, nhưng không thể thương mại hóa. Một phần do tác động của thị trường, nhưng một phần cũng do các chính sách của Nhà nước quy định khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại.

Nhiều cơ chế, chính sách mới

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ như chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020, chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015. Đặc biệt là việc thành lập ra Qũy Phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận, khi các chương trình này được triển khai vào thực tế tại các địa phương đã gặp không ít khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học Qũy đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ra mắt hy vọng sẽ làm giảm các thủ tục hành chính, vốn rườm rà và nhiêu khê cho các doanh nghiệp và nhà khoa học.

Bộ Khoa học & Công nghệ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, hướng tới hình thành, chuyển đổi lên thành Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

"Chỉ cần doanh nghiệp có sản phẩm nghiên cứu thuộc 1 trong 6 lĩnh vực được Bộ Quy định, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn do các cơ quan chức năng đề ra là Bộ sẵn sàng cấp giấy chứng nhận. Khi trở thành Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ rồi, doanh nghiệp sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi của nhà nước về thuế, vốn vay cũng như ưu tiên cho thuê đất để có thể phát triển nhanh, mạnh mẽ và vững chắc hơn", đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết.