Chênh lệch sau kiểm toán 2014: Vẫn còn nhức nhối!

Nhìn chung số liệu chênh lệch báo cáo sau kiểm toán 2014 của các doanh nghiệp không cao, tuy nhiên nổi bật có 3 trường hợp đại diện “tiêu biểu” cho hai thái cực khả quan và bi quan là TDN, HAS và ATA.

Tính đến hết ngày 25/03, có 330 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2014 đầy đủ, trong đó có tới 196 đơn vị có số liệu chênh lệch so với trước kiểm toán, tức chiếm tới 59%.

Lật ngược thế cờ

Hẳn là cổ đông của Than Đèo Nai (HNX: TDN) sẽ rất vui mừng khi nhận được thông tin sau kiểm toán 2014 công ty đột ngột chuyển từ lỗ 14.4 tỷ đồng sang lãi hơn 28 tỷ đồng.

Theo lý giải của TDN cho việc lỗ trước kiểm toán do năm 2014, các loại thuế, phí tăng trong kỳ (thuế tài nguyên tăng 2%, tiền cấp quyền khai thác…) làm chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa tổ chức nghiệm thu chi phí năm 2014 cho Công ty, do vậy Tập đoàn chưa bổ sung khoản chi phí nói trên. Nếu được Tập đoàn bổ sung chi phí, Công ty đảm bảo đạt lợi nhuận năm 2014 theo kế hoạch.

Bởi thế, TDN có lý do phù hợp để giải trình cho việc chênh lệch lớn sau kiểm toán vì tại thời gian đó TKV chưa tổ chức nghiệm thu, quyết toán khoán chi phí năm 2014. Do vậy Công ty lập báo cáo tài chính theo số dự kiến và điều chỉnh số liệu chính thức tạo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.

Tương tự, sau khi có báo cáo kiểm toán, từ mức lỗ 39 tỷ đồng trong năm 2014, Hacisco (HOSE: HAS) đã lật ngược thế cờ khi lãi 4.5 tỷ đồng. Nguyên do là nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh hồi tố những khoản dự phòng các năm trước gần 42 tỷ đồng.

Top DNNY tăng lãi và thoát lỗ sau kiểm toán 2014
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, HPS, CLW, VTB, HLC, VPH, V12, PVC, PVV và MDC cũng đều là những doanh nghiệp có kết quả lãi ròng tăng từ 12% trở lên sau kiểm toán. Đối với Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (HNX: PVC), lãi tăng thêm gần 41 tỷ đồng sau kiểm toán nhờ lợi nhuận sau thuế tại công ty con là Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam tăng 26.6 tỷ đồng. Bên cạnh đó PVC giảm lợi nhuận chưa thực hiện trong hàng tồn kho tiêu thụ nội bộ mà năm 2014 đã tiêu thụ số tiền là 6.9 tỷ đồng, Công ty cũng giảm hơn 7 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập hoàn lại tại M-I Việt Nam.

Lãi ròng của Than Hà Lầm - Vinacomin (HNX: HLC) tăng thêm hơn 8 tỷ đồng để lên mức 36.5 tỷ đồng do khi thực hiện báo cáo nghiệm thu khoán với TKV, công ty đã thực hiện tiết kiệm một số chỉ tiêu giao khoán và được TKV bù phụ các chi phí đã thực hiện.

Còn lại đa số những doanh nghiệp này đều chưa có giải trình cho sự chênh lệch này của doanh nghiệp mình.

Thêm phần bi quan

Ở thái cực ngược lại, hẳn cổ đông Ntaco (HOSE: ATA) sẽ rất bức xúc khi nhận kết quả kinh doanh 2014 sau kiểm toán chuyển từ lãi 187 triệu đồng sang lỗ 14.4 tỷ đồng. Thêm vào đó, thông tin giải trình của ban lãnh đạo ATA cũng rất mơ hồ: "Năm 2014 doanh thu hoạt động kinh doanh, doanh thu tài chính có tăng so với cùng kỳ nhưng chi phí về giá vốn, chi phí quản lý, chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức cao đã làm lợi nhuận bị âm" mà không hề đề cập đến việc vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa trước và sau kiểm toán.

Top DNNY giảm lãi và tăng lỗ sau kiểm toán 2014
Đvt: Triệu đồng

Nguồn: VietstockFinance

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp lỗ nặng thêm sau kiểm toán như CID, SAV, S12, VNH, PFL, PVG, BTH... Trong đó, sau khi công bố lỗ thêm 1 tỷ đồng tức âm 15 tỷ đồng, Dầu khí Đông Đô (HNX: PFL) đã cầm chắc án hủy niêm yết bắt buộc khi lỗ 3 năm liên tiếp do "tình hình kinh tế nói chung và thị trường kinh doanh bất động sản nói riêng có nhiều biến động không thuận lợi, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản vẫn còn cao và sức mua thấp dẫn đến doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, chi phí tăng cao và một số khoản đầu tư phải trích lập dự phòng".

Còn Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc (HNX: PVG) lần đầu tiên báo lỗ 3.4 tỷ đồng từ khi thành lập đến nay (2007) do biến động mạnh về giá bán LPG, rồi kiểm toán cũng lưu ý về việc PVG đang làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về khoản lãi chậm nộp tiền thu về cổ phần hóa hơn 49 tỷ đồng vào năm 2012. Sau đó vào năm 2014 PVN đã xác định lại là con số 13.88 tỷ đồng và đề nghị PVG không phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền trên.

Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành hồ hởi báo lãi đậm trong năm 2014 thì Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH) lại báo lỗ thêm 4 tỷ đồng, tức âm tới 43.5 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo VNH, sở dĩ có sự chênh lệch này do công ty kiểm toán trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chậm luân chuyển, rồi đánh giá lại chênh lệch tỷ giá nợ phải thu gốc ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng gốc ngoại tệ…

Hay như Sông Đà 12 (HNX: S12) cũng lần đầu tiên báo lỗ 15 tỷ đồng (tăng 1.6 tỷ đồng sau kiểm toán) sau 9 năm hoạt động. Và dù các năm trước doanh nghiệp này đều ghi nhận lãi nhưng vẫn "không đủ" chi trả cổ tức 3% của năm 2011 mà phải hoãn thêm 6 tháng nữa, tức tới 30/09/2015.