Những nước Châu Âu muốn có biện pháp cứng rắn với Nga về vấn đề Ucraina phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: họ cần khí đốt của Nga để giữ ấm cho mùa đông. Khoảng 1/3 khí đốt tại thị trường Châu Âu đến từ Nga và những “kỷ niệm” dừng cung cấp khí đốt năm 2006 và 2009 là một lời nhắc nhở cho khu vực này.
Ucraina là trung tâm của vấn đề khi hệ thống đường ống tại đây trung chuyển 40% khí đốt của Nga sang Châu Âu. Kể từ lần tạm dừng cung cấp khí đốt gần đây nhất, các quốc gia Châu Âu đã “chạy đua” để lắp đặt thêm đường ống, kết nối các trạm trung chuyển, xây dựng các cảng để nhập khẩu khí hóa lỏng và tìm mọi cách để gia tăng lượng khí đốt dự trữ.
Mặc dù có vài lựa chọn thay thế nhưng chi phí cho chúng lại đắt hơn nhiều so với khí đốt của Nga. Do đó, khí tự nhiên vẫn là quân bài chính trị chiến lược của Điện Kremlin.
Xung đột hiện nay
Ucraina đã trải qua một mùa đông không có sự gián đoạn nguồn cung khí đốt nhờ thỏa thuận với Nga thông qua trung gian là Liên minh Châu Âu (EU). Nga đồng ý gia hạn cung cấp khí đốt đến tháng 6/2015 nhưng ép Ucraina phải trả khoản nợ 2,5 tỷ USD cho đợt cung cấp trước đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ucraina vào tháng 2/2015 do những tranh chấp liên quan đến khu vực miền Đông. Trước đó, vào tháng 6/2014, những tranh chấp về chi phí thanh toán đã khiến Nga dừng cung khí đốt cho Ucraina trong 6 tháng. Quốc gia này sẽ cần khí đốt của Nga để dự trữ cho mùa hè tới đây. Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ của Slovakia, Ba Lan và Hungary nhưng như vậy vẫn chưa đủ so với nhu cầu sử dụng của nước này.
Châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) do giá loại nhiên liệu này thấp. Ngoài ra, đây cũng là một nỗ lực của khu vực này nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và bảo vệ Châu Âu khi xung đột về khí đốt tại Ucraina leo thang. Một báo cáo của EU dự đoán rằng việc ngừng cung cấp khí tự nhiên trong 6 tháng từ Nga sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến 8/28 thành viên trong khối.
Lịch sử
Nga bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan vào những năm 1940 và lắp đặt đường ống vào thập niên 60 nhằm cung cấp khí đốt cho các thành viên Liên Xô cũ. Trong thời gian chiến tranh lạnh, việc cung cấp cho khu vực Châu Âu đã được giữ ổn định.
Trong lịch sử, có 2 lần Nga dừng cung cấp khí đốt một cách nghiêm trọng. Lần đầu tiên là do tranh chấp về giá giữa tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga và Naftogaz của Ucraina. Khi đó, Nga đã cáo buộc Ucraina bòn rút khí đốt mà nước này cung cấp cho Châu Âu qua đường ống tại đây.
Cuộc tranh chấp thứ 2 diễn ra vào mùa đông băng giá năm 2009, kéo dài khoảng 2 tuần và Nga đã dừng mọi nguồn khí đốt cung cấp đến EU qua đường ống Ucraina dẫn đến một cuộc khủng hoảng nguồn cung tại đây. Slovakia và một số nước vùng Balkan đã phải hạn chế cung cấp khí đốt cho người dân, đóng cửa nhà máy và cắt nguồn cung cấp điện nhằm tiết kiệm năng lượng.
EU đã từng tuyên bố rằng sẽ ngăn chặn tình trạng khủng hoảng khí đốt xảy ra một lần nữa, đặc biệt là khi sản lượng dầu khí tại Biển Bắc của họ đang sụt giảm. Khu vực này đã nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phù hợp hơn cho lưu thông khí đốt. Bên cạnh đó, Nga cũng đã hoàn thành đường ống Dòng chảy Phương Bắc vào năm 2012 nhằm trung chuyển khí đốt cho thị trường lớn nhất là Đức. Cổ phiếu của công ty Gazprom đã tăng lên mức kỷ lục năm 2013 và giữ nguyên ở mức đó trong năm 2014.
Trong khi đó, Nga đã đồng ý bán thêm khí đốt cho thị trường Trung Quốc, khiến Châu Âu phải cạnh tranh với Châu Á cho nguồn cung khí tự nhiên từ Siberia. Tháng 12/2014, Nga cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Nam đưa khí đốt đến Châu Âu qua Biển Đen trị giá 45 tỷ USD. Thay vào đó, nước này sẽ đưa đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tranh cãi
Bất kỳ sự gián đoạn nào cho việc cung cấp khí đốt có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga, vốn đang bị tổn thương do giá dầu giảm và các lênh trừng phạt của Phương Tây. Ngành xuất khẩu dầu khí chiếm một nửa ngân sách quốc gia của Nga.
Tại Châu Âu, các thành viên có mức độ phụ thuộc khác nhau vào khí đốt của Nga, từ mức 100% của các nước vùng Baltic và Phần Lan đến 19% tại Pháp. Do đó, rất khó để khu vực này thực hiện một biện pháp đối phó thống nhất. Những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng độc quyền về giá và cung cấp đối với Nga ngày càng phức tạp khi Đức quyết định dùng sử dụng điện hạt nhân và than đá. Bên cạnh đó, xu thế phản đối sử dụng kỹ thuật khai thác Fracking cho dầu đá phiến (gây ô nhiềm môi trường) trên toàn Châu Âu cũng gây khó khăn cho nỗ lực này.
Việc “giải thoát” sự phụ thuộc của Châu Âu vào Nga có “cái giá” rất đắt. Theo các chuyên gia phân tích của Sanford Bernstein, EU sẽ phải đầu tư lên đến 200 tỷ USD. Ngoài ra, khu vực này cũng có các lựa chọn dài hạn thay thế khác như nhập khẩu nguồn khí đốt từ Azerbaijan và vùng Caspian, đồng thời nhập khẩu khí đốt từ Mỹ.