CEO Uber Việt Nam: Tự nguyện phá vỡ mô hình kinh doanh toàn cầu của công ty

(NDH)- “Uber hiện có mặt ở 63 nước nhưng chưa có công ty nào tại nước sở tại. Thành lập công ty tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến Uber toàn cầu, thay đổi cấu trúc kinh doanh của công ty, nhưng chúng tôi tự nguyện” - CEO Uber Việt Nam, Đặng Việt Dũng cho biết

Bộ Giao thông Vận tải vừa trả lại Đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber mà nguyên nhân chính là do đơn vị không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí làm rõ vấn đề này.

Uber là công ty công nghệ với phần mềm kết nối hành khách và những đối tác vận tải để có những chuyến đi an toàn, tiện lợi với giá cả phải chăng. Uber không sở hữu phương tiện, không thuê tài xế, không thu phí vận tải. Vì vậy, chức năng của Uber là kết nối vận tải, không phải vận tải hành khách.

Ông Đặng Việt Dũng cho biết: Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trên thế giới của Uber. Chúng tôi muốn gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam nên muốn hợp tác với Chính phủ trong xây dựng khung pháp lý mới cho mô hình vận tải theo hợp đồng điện tử. Đó là lý do vì sao Uber xây dựng đề án này.

CEO Uber Đặng Việt Dũng:Thành lập công ty tại Việt Nam là phá cấu trúc Uber toàn cầu nhưng chúng tôi hoàn toàn tự nguyện. Ảnh: Hải Minh

Theo ông Dũng, có hai lý do chính khiến đề án này chưa được thông qua: 1- Công ty trình đề án là công ty Uber có trụ sở tại Hà Lan, không phải công ty tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải không đủ thẩm quyền để thông qua. Uber cần thành lập Công ty tại Việt Nam mới đủ tư cách pháp nhân. 2 - Uber là dịch vụ kết nối vận tải bằng công nghệ, nhưng Luật chưa có khung về công nghệ kết nối vận tải, bởi vậy đề xuất nằm ngoài khung pháp lý của Việt Nam.

Để phù hợp khung pháp lý, trước hết Uber Việt Nam sẽ điều chỉnh theo hướng đề án hỗ trợ vận tải (thay vì công nghệ kết nối) và thứ hai là thành lập doanh nghiệp.

“Đây là một bài toán khiến chúng tôi phải làm việc với các đối tác tư vấn để tìm ra giải pháp hợp lý. Uber hiện có mặt ở 63 nước, 360 thành phố với tốc độ phát triển nóng, cứ 3 ngày uber lại có mặt ở một thành phố mới trên toàn cầu và 2 tuần sẽ có mặt ở một nước mới. Uber kể từ khi ra đời chưa thành lập một công ty nào ở nước sở tại. Nếu thành lập ở Việt Nam, Uber cần tính toán kỹ bởi mô hình kinh doanh toàn cầu của công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn”, CEO Uber Việt Nam cho biết.

Ông Dũng lý giải: Thành lập công ty ở Việt Nam, Uber Việt Nam sẽ phải đóng thuế khác với Uber tại 63 nước mà công ty Uber Hà Lan đang quản lý. Chính phủ Hà Lan sẽ hỏi về sự khác biệt này so với 63 nước còn lại trong khi mô hình công ty quốc tế, cấu trúc như nhau nhưng thuế đóng khác nhau. Đó là lý do vì sao Google, Facebook không có công ty tại Việt Nam bởi họ không muốn bị phá vỡ mô hình kinh doanh toàn cầu của mình

Uber sẽ thành lập công ty tại Việt Nam theo mô hình nào?

Cần phải có công ty tại Việt Nam, Uber đang đau đầu với 3 lựa chọn: Công ty 100% vốn nước ngoài; Công ty liên doanh và Công ty 100% vốn Việt Nam.

Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài có lợi nhất cho Uber nhưng mất 6 tháng để triển khai, điều này sẽ làm kéo dài thời gian trình Đề án. Thành lập công ty 100% vốn nội địa chỉ mất 1-2 tuần nhưng Uber khó khăn trong quản lý vốn đặc biệt với tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ, rủi ro cao.

CEO Uber Việt Nam cho biết đang làm việc với các đối tác tư vấn để có giải đáp cho bài toán này sớm.

Theo ông Dũng, hiện Uber Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần với 300.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Uber tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh.

“Chúng tôi vẫn đang hoạt động bình thường dù Đề án trình không thông qua bởi chúng tôi không phạm luật mà chỉ nằm ngoài luật. Chúng tôi đang nỗ lực cùng Chính phủ để xây dựng khung pháp lý phù hợp vì Luật thường đi sau thực tiễn. Thành lập công ty tại Việt Nam là phá cấu trúc Uber toàn cầu nhưng chúng tôi hoàn toàn tự nguyện”, ông Đặng Việt Dũng chia sẻ