CEO Hòa Phát: Không chạy theo mốt đầu tư nông nghiệp

Ông Trần Tuấn Dương nhận định đây là thời điểm chín muồi về thị trường cũng như tài chính để Tập đoàn Hòa Phát tham gia vào ngành thức ăn chăn nuôi, với mục tiêu giành 10% thị phần trong 10 năm tới.

- Nhiều doanh nghiệp lớn đang lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, ông nhận định thế nào về ý kiến Hòa Phát đang đua theo các đại gia khác?

- Hòa Phát không chạy theo mốt, nếu như vậy lẽ ra chúng tôi đã phải làm rất nhiều thứ cho hợp mốt rồi. Trong hơn 20 năm phát triển, Hòa Phát đã 5-7 lần dấn thân vào lĩnh vực mới, từ thiết bị xây dựng, thép, nội thất, điện lạnh đến bất động sản... Nói như vậy để thấy rằng chúng tôi tham gia lĩnh vực mới không có gì lạ và không phải chuyển hướng kinh doanh. Thép vẫn sẽ là ngành cốt lõi của Hòa Phát trong nhiều năm tới.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi cũng đã nghiên cứu nhiều năm trước. Thực tế rất nhiều tập đoàn, công ty lớn đã tiến quân vào mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có một thế mạnh riêng nên chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ như nhiệt điện một thời gian cũng là mốt, nhưng Hòa Phát thấy không phù hợp nên không làm. Tóm lại là không phải thiên hạ làm thì mình làm theo.

mr-duong-7231-1426841749.jpg

Tổng giám đốc Hòa Phát Trần Tuấn Dương.

- Hòa Phát nhìn thấy tiềm năng gì ở ngành thức ăn chăn nuôi?

- Thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10% một năm, doanh số lên tới 7 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận không cao, áp lực cạnh tranh lớn nhưng nếu thành công, sau 10 năm nữa tỷ trọng đóng góp doanh thu của thức ăn - chăn nuôi sẽ tương đương với thép hiện nay.

- Nghiên cứu nhiều năm như vậy, tại sao đến giờ Hòa Phát mới chính thức đặt chân vào lĩnh vực này?

- Thực ra khi làm dự án này, nhiều người cũng đặt câu hỏi tương tự như vậy. Tuy nhiên, ai cũng phải bắt đầu từ một điểm nào đó và có độ chín nhất định. Nhìn lại lịch sử, năm 2001 Hòa Phát cũng bước vào ngành thép với tư cách lính mới, chưa có kinh nghiệm và doanh nghiệp nước ngoài lúc đó thì rất nhiều trên thị trường.

Tài chính của Hòa Phát hiện cũng khác so với cách đây 10 năm. Để xây dựng nhà máy thép đầu tiên, Hòa Phát phải vay vốn nhiều. Sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đòi hỏi vốn rất lớn, với tiềm lực của mình 5 năm tới, chúng tôi có thể đầu tư 5.000 - 10.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Hơn nữa, Hòa Phát có kinh nghiệm trong quản trị quy trình sản xuất kinh doanh khép kín, có thể áp dụng cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.

Chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ cổ đông. Mỗi năm Hòa Phát làm ra lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng nhưng không phải cổ đông nào cũng thích chia cổ tức nhiều, mà họ muốn lợi nhuận phải được tái đầu tư. Áp lực cho Hòa Phát phải đi tìm ngành hàng mới để tạo nên lợi nhuận trong tương lai ngày càng lớn hơn.

- Hòa Phát đặt mục tiêu sẽ chiếm bao nhiêu thị phần trong ngành thức ăn chăn nuôi?

- Người đi sau thì bao giờ cũng thiệt thòi vì ít kinh nghiệm hơn và chưa ăn sâu trong ngành, nhưng lại có thuận lợi là áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu. Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp Việt Nam đông nhưng lại lép vế về thị phần, một phần do nội lực không đủ sức cạnh tranh. Chúng ta cần thêm những doanh nghiệp nội đủ lực tham gia sâu vào thị trường giúp cân bằng trở lại.

Chúng tôi đặt lộ trình trong 10 năm tới sẽ đạt được 10% thị phần, đứng trong top 5 những nhà sản xuất lớn nhất tại Việt Nam. 70% nguyên liệu của nhà máy được nhập khẩu và 30% sẽ dùng trong nước. Sản phẩm của Hòa Phát sẽ phân phối trên cả nước, song trước mắt tập trung phần lớn ở miền Bắc. Tuy sản xuất ở miền Bắc còn manh mún, nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội, bởi nếu vật nuôi đều ăn thức ăn công nghiệp rồi thì mảng này sẽ không còn nhiều dư địa phát triển.

- Người nông dân, đại lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu vào và đầu ra của Hòa Phát. Chính sách của tập đoàn với những "đối tác" này sẽ như thế nào?

- Hòa Phát luôn quan niệm sẽ phải có giải pháp hài hòa lợi ích giữa người cộng sự với doanh nghiệp. Không phải khi đặt chân vào ngành này mới như vậy mà khi tham gia lĩnh vực thép, nội thất, phụ tùng, chúng tôi cũng có những chính sách dành cho các đại lý, người tiêu dùng cuối cùng. Về cơ bản họ rất hài lòng. Chắc chắn là khi bước chân vào nông nghiệp, Hòa Phát cũng sẽ có những cơ chế tương tự.

Chúng tôi quan niệm nếu không chia sẻ quyền lợi với người đồng hành thì không thể đi tiến xa được, đó là quy luật nhân quả. Mọi người không nên lo lắng về quan hệ của Hòa Phát với người nông dân.

- Ông dự báo ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam thời gian tới sẽ thế nào?

- Chắc chắn lĩnh vực này sẽ phát triển bởi thị trường nội địa vốn cung đã không đủ cầu, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu thức ăn gia súc từ nước ngoài. Quy mô toàn ngành còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên sẽ có nhiều dư địa phát triển. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang rất quan tâm và dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, Hòa Phát xác định đây là ngành khó, thậm chí khó hơn thép. Áp lực cạnh tranh nội ngành rất lớn với nhiều công ty đa quốc gia tên tuổi, có kinh nghiệm thị trường nhiều năm tại Việt Nam. Trong tương lai, cấu trúc của ngành sẽ thay đổi theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Do đó, sức cạnh tranh, tiềm lực sẽ quyết định sự tồn tại, vươn lên của doanh nghiệp.

- Sau thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát dự tính mở tiếp sang mảng nào?

- Điều này thì chưa biết được bởi thời gian mới có thể trả lời. Hòa Phát hiện chiếm 21-22% thị phần ống thép, 20% thị phần thép xây dựng, song sang ngành thức ăn chăn nuôi, việc đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần đã mất tới 10 năm rồi. Chúng tôi nhận định lĩnh vực này đủ lớn để thỏa sức vẫy vùng trong 5-15 năm tới, do đó Hòa Phát chưa nghĩ đến ngành khác.