Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2015 với những cái tên quen thuộc như Bill Gates, Warren Buffett tiếp tục đứng đầu.
Tuy nhiên, trong nhóm các tỷ phú trẻ thì Mark Zuckerberg, 31 tuổi, lại là người giàu nhất với tài sản lên tới 40,3 tỷ USD.
Giá cổ phiếu của Facebook tăng gần 25% trong năm qua và hứa hẹn còn tiếp tục tăng sau khi Facebook đạt kỷ lục 1 tỷ người dùng/ngày vào hồi tháng 8. Chính vì vậy, Zuckerberg ghi nhận giá trị tài sản tăng nhanh nhất trong số các tỷ phú giàu nhất thế giới, với mức tăng là 6,3 tỷ USD.
Những bài học làm giàu từ ông chủ Facebook
Thành công không bao giờ đến trước
Ngay từ khi còn học tại Đại học Havard, Mark Zuckerberg đã thành lập một website có tên là FaceMash.com và gặp phải không ít rắc rối với website này.
Mục đích của Mark khi tạo ra FaceMash.com để cho phép mọi người có thể so sánh hình hảnh của những nữ sinh trong trường Havard và đánh giá xem ai nóng bỏng hơn. Website này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của rất nhiều sinh viên, nhưng ban quản lí trường Havard đã nhanh chóng yêu cầu Mark đóng cửa với lí do “không thể chấp nhận được mục đích của FaceMash.com”. Ngay sau đó, Mark bỏ học và bắt đầu xây dựng Facebook với tên gọi ban đầu là TheFacebook.com.
Tuy nhiên, khó khăn chưa chịu “buông tha” chàng trai trẻ, vài ngày sau khi TheFacebook.com ra đời, Mark lại gặp rắc rối khi hai anh em sinh đôi Winklevoss và Divya Narendra tố anh ăn cắp ý tưởng của họ. Vụ việc ầm ĩ kéo dài mất vài năm, sau những thu xếp về mặt pháp lí, anh em sinh đôi Winklevoss được nhận số tiền 65 triệu USD như công đóng góp ý tưởng cho Facebook.
Đừng bao giờ đồng ý lời mời chào đầu tiên
Kể từ khi Facebook ra đời, đã có rất nhiều công ty muốn thâu tóm “gã khổng lồ” này. Facebook, lúc còn làTheFacebook.com bắt đầu có mặt trên thị trường Internet vào tháng 2/2004. Chỉ 4 tháng sau, nhà sáng lập Mark Zuckerberg (khi đó mới 20 tuổi) đã nhận được lời đề nghị rót vốn 10 triệu USD từ một nhà đầu tư không rõ danh tính ở New York. Tuy nhiên, Zuckerberg không hề để tâm tới đề nghị này.
Năm 2005, NBC (công ty chuyên về mạng lưới phát thanh và truyền hình thương mại Mỹ) đã ngỏ ý muốn mua lại Facebook. Năm 2006, Yahoo! dành cho Mark lời đề nghị thâu tóm 1 tỉ USD nhưng theo Zuckerberg thì Facebook còn đáng giá hơn nhiều. Đỉnh điểm là vào năm 2007, Microsoft – hãng phần mềm số 1 thế giới và Google đều đã đưa ra con số 15 tỉ USD nhưng vẫn không thể thuyết phục được Mark. Một câu hỏi đặt ra là nếu Mark Zuckerberg “ăn non”, chấp nhận một trong số những lời đề nghị ở trên thì thế giới có biết đến một Mark Zuckerberg thành công như ngày hôm nay?
Kiên trì theo đuổi ước mơ
Một vài ngày sau khi tung ra phiên bản Facebook đầu tiên, Mark đã nghĩ cần phải xây dựng một dịch vụ như thế trên toàn thế giới. Khi đó, hầu hết không ai tin rằng một dự án “ra lò” từ khu kí túc xá đại học lại có thể biến thành một trong những trang web lớn nhất trên Internet hiện nay với 1,23 tỉ người sử dụng hàng tháng, tương đương với 1/6 dân số thế giới. Người dùng Facebook đã tạo ra 201,6 tỉ kết nối bạn bè và nhấp chuột vào nút “like” tổng cộng 3,4 ngàn tỉ lần.
Chấp nhận sự cạnh tranh
Khi Facebook ra đời, Mark cùng các nhà đồng sáng lập phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tại thời điểm đó, tất cả các đối thủ đều ở vị thế cao hơn Facebook. Myspace đã có 5 triệu người dùng, Frienster có giá trị lên tới 13 triệu USD. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, Mark Zuckerberg tiếp tục làm việc chăm chỉ và cố gắng cải thiện website của mình. Và kết quả Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là câu trả lời rõ ràng nhất cho những cố gắng của Mark cùng các đồng sự.
Chấp nhận rủi ro
“Rủi ro lớn nhất chính là không dám đối mặt với rủi ro. Không dám mạo hiểm khi thế giới không ngừng thay đổi là chiến lược chắc chắn dẫn đến thất bại”. Đó là 1 trong những câu nói nổi tiếng của Mark. Theo anh, rất nhiều người dù đã xác định kinh doanh trên thương trường nhưng vẫn luôn sợ thất bại. Nhưng với Mark, ngay cả khi công ty có 1 năm kinh doanh tồi tệ, thậm chí là 5 năm, anh cũng sẽ không lo lắng. Anh hoàn toàn tin tưởng anh có thể lãnh đạo công ty để tạo ra giá trị lâu dài.
Tiền không phải là tất cả
Trước khi Facebook bắt đầu kiếm tiền, Zuckerberg đã nói “Chúng tôi không làm dịch vụ để kiếm tiền mà đơn giản, chúng tôi kiếm tiền để tạo ra các dịch vụ tốt hơn”
Đối xử tốt với nhân viên
Zuckerberg cho rằng, một khi nhân viên của bạn không hài lòng, họ sẽ không có nhiệt huyết làm việc và sẽ không làm việc chăm chỉ. Chính vì vậy mà tại trụ sở chính của Facebook, nhân viên được nhận rât nhiều đặc quyền. Từ thức ăn miễn phí, phụ kiện máy tính miễn phí đến một cửa hàng cắt tóc trên trang web…. Zuck đã biến Facebook là nơi làm việc mà không một nhân viên nào muốn rời bỏ.
Hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo
“Done is better than perfect” (Hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo), đó là câu nói rất nổi tiếng của Mark Zuckerberg.Theo Mark, hoàn thành nhiệm vụ là một việc tối quan trọng và một khi kết thúc công việc, chúng ta hoàn toàn có thể quay trở lại và cải thiện nó. Tất nhiên, bạn luôn cần phải hoàn thành công việc hết sức có thể.
Không nên quá phụ thuộc vào cách đánh giá bên ngoài
“Hãy nhớ rằng bạn không tốt như mọi người nói và cũng không xấu như mọi người nghĩ”. Zuckerberg đã từng nói nếu Facebook bị giới truyền thông không đánh giá cao, anh ấy sẽ nhắc nhở các thành viên trong nhóm của mình rằng Facebook không hề tệ như báo chí đưa tin. Ví dụ như lần đầu Facebook đưa ra Newsfeed, mọi người đều ghét nó. Phản ứng dữ dội làm đảo lộn nhiều người sử dụng mạng xã hội này. Thay vì từ bỏ nó và quay trở về với những gì vốn có, Zuckerberg vẫn tuyệt đối tin tưởng và đến nay, Newsfeed là một trong những tính năng quan trọng nhất của Facebook.
Và đến khi Facebook được ca ngợi, anh nhắc nhở với các thành viên rằng nó không tốt như mọi người đang nói.
Hãy khiêm tốn
Thành công và trở thành tỉ phú thế giới ở tuổi rất trẻ, nhưng Mark luôn có một cuộc sống hết sức khiêm tốn và giản dị. Zuckerberg không tiêu quá nhiều tiền vào sở thích cá nhân, mà thay vào đó, anh tập trung vào phát triển công ty. Cho đến gần đây, Mark vẫn chỉ lái một chiếc Acura tương đối rẻ tiền và mua biệt thự bằng tiền vay ngân hàng với lãi suất thấp.
[Ông chủ Facebook kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào? - Ảnh 2]
Ông chủ facebook không tiêu tiền vào những dịch vụ xa xỉ
Ðầu tư 5 triệu USD vào phần mềm giáo dục
Ngày 22/9, The Tech Portal đưa tin, Mark Zuckerberg và người vợ gốc Hoa Priscilla Chan đã đầu tư 5 triệu USD vào MasteryConnect - một doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong lĩnh vựccông nghệ giáo dục, có trụ sở chính ở thành phố Salt Lake (thủ phủ bang Utah của Mỹ). Nhờ số tiền của vợ chồng ông chủ Facebook, tổng vốn đầu tư của MasteryConnect tính đến cuối tháng 9/2015 tăng lên 29 triệu USD.
MasteryConnect thiết kế phần mềm trợ giúp giáo viên theo sát mức độ tiến bộ của học sinh. Cụ thể, hãng phát triển chương trình ứng dụng giúp đánh giá năng lực học tập của học sinh thông qua một hệ thống đo lường định tính, chứ không phải hệ thống đo lường định lượng được áp dụng rộng rãi.
MasteryConnect tuyên bố, khách hàng là 85% các sở giáo dục ở Mỹ, cung cấp dịch vụ cho hơn 2 triệu giáo viên. Không chỉ đắt khách ở Mỹ, phần mềm đã thu hút người dùng đến từ 170 nước trên thế giới. Tính đến cuối tháng 9, ứng dụng của MasteryConnect đã được tải xuống hơn 5 triệu lượt.
Với mỗi trường học, phí sử dụng phần mềm vào khoảng 7 USD (158.000 đồng)/học sinh/năm. Tuy nhiên, phần mềm được cung cấp miễn phí cho giáo viên. Trong lĩnh vực bán hàng, MasteryConnect chú trọng việc quảng bá tự thân trong đội ngũ giáo viên, chứ không chỉ dựa vào hệ thống thanh toán thẻ tín dụng.
"Xấp xỉ 33% lượng phần mềm bán được có sự giúp sức của chính các giáo viên", CEO Reid nói. Ông cho biết, mỗi tháng có khoảng 50.000-60.000 giáo viên đăng ký sử dụng dịch vụ của hãng.
Với sự ủng hộ của Chan (từng làm giáo viên, là người yêu của Zuckerberg từ thời anh học ở Ðại học Harvard), ông chủ Facebook lặng lẽ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Trước khi bỏ vốn vào MasteryConnect, hai vợ chồng đã rót 120 triệu USD vào các trường học ở khu vực vịnh San Francisco, bang California. Nhưng họ đâu chỉ đầu tư để sinh lời!
Làm từ thiện cả tỷ đôla
Ngày 17/6, Fortune đưa tin, CEO của Facebook và vợ chuyển 5 triệu USD cho quỹ học bổng TheDream.US để giúp những người nhập cư chưa có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống tại Mỹ có cơ hội học đại học một cách đàng hoàng.
"Mỹ được thành lập với tư cách một quốc gia của những người nhập cư. Chúng ta phải chào đón những người trẻ tuổi chăm chỉ, thông minh đến từ mọi quốc gia và giúp mọi người trong xã hội chúng ta đạt được khả năng cao nhất của họ. Nếu chúng ta giúp ngày càng nhiều người nhập cư trẻ tuổi có thêm cơ hội mới, đất nước chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ ngày càng lớn", Zuckerberg viết trên Facebook.
Theo The Independent, vợ chồng Zuckerberg - Chan đứng đầu danh sách mạnh thường quân năm 2013 vì hiến gần 1 tỷ USD cho Quỹ Cộng đồng Thung lũng Silicon, chủ yếu dành cho lĩnh vực giáo dục và y tế. Số tiền quyên góp của hai vợ chồng đến từ 18 triệu cổ phiếu Facebook (bằng số cổ phiếu họ cho đi năm 2012).
Zuckerberg nói rằng, số tiền mà hai vợ chồng hiến tặng chủ yếu dành cho trẻ em. Vợ anh hiện là bác sĩ nhi khoa. Cuối năm 2014, Zuckerberg và Chan quyên góp 25 triệu USD cho Quỹ Các trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ, để hỗ trợ cuộc chiến chống Ebola.
Năm 2010, ở tuổi 26, Zuckerberg gia nhập mạng lưới Giving Pledge gồm những doanh nhân cam kết dành ít nhất một nửa tài sản của họ cho các tổ chức từ thiện. Thời điểm đó, ông chủ Facebook phát biểu: "Người ta thường đợi đến cuối sự nghiệp của mình mới cho đi. Tại sao lại phải đợi khi mà có quá nhiều việc cần phải làm?".
Tuy nhiên, đến nay, rất ít tỷ phú trẻ tham gia Giving Pledge. Ðộ tuổi trung bình của các mạnh thường quân trong mạng lưới này là 72,5. Zuckerberg sinh ngày 14/5/1984, hơn vợ một tuổi và có giá trị tổng tài sản tính đến cuối tháng 9/2015 là 35,7 tỷ USD.
Kêu gọi chấm dứt sự cấm kỵ về sẩy thai
The Telegraph ngày 1/8 đưa tin, CEO của Facebook tiết lộ chi tiết về nỗ lực đầy nước mắt của hai vợ chồng để có được em bé. Zuckerberg cưới Chan trong một hôn lễ bình dị hôm 19/5/2012. Ngày 1/8, anh thông báo trên Facebook rằng, Chan đang mang bầu một bé gái; trước đó, vợ anh 3 lần sẩy thai. Vì vậy, ông chủ Facebook kêu gọi mọi người chia sẻ nhiều hơn, thảo luận công khai hơn về sảy thai - vấn đề vẫn bị coi là cấm kị ở nhiều nước trên thế giới.
Anh nói: "Hầu hết mọi người không thảo luận về sẩy thai vì bạn lo ngại vấn đề của mình sẽ khiến bạn bị xa cách hoặc bị mang tiếng, như thể bạn có thiếu sót hoặc từng làm điều gì đó để bị quả báo. Vì vậy, bạn phải tự vật lộn… Trong thế giới kết nối và cởi mở hiện nay, thảo luận những vấn đề như thế không làm chúng ta xa nhau, mà trái lại, khiến chúng ta gần nhau hơn. Nó tạo ra sự thấu hiểu và khoan dung, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng".
Zuckerberg tâm sự: "Hình ảnh siêu âm cho thấy bé gái giơ ngón tay cái với biểu tượng "Like", nên tôi tin rằng, cháu sẽ giống tôi. Ðây sẽ là chương mới trong cuộc đời của chúng tôi".