Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó quy định tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là 60% áp dụng từ 1/2/2015, thay vì tỷ lệ 30% như trước đây.
Chuyên gia cảnh báo ngân hàng nên thận trọng với việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ảnh: QH. |
Đây được cho là động thái tích cực nhằm tạo nguồn cung vốn ra thị trường và tạo điều kiện giảm lãi suất. Phần lớn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân hiện nay đều có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên trong khi nguồn tiền huy động của ngân hàng đa phần là ngắn hạn, chỉ một vài tháng. Để hỗ trợ ngân hàng điều chuyển và linh hoạt sử dụng dòng vốn mà vẫn đảm bảo an toàn, lâu nay Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng sử dụng một phần vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, với tỷ lệ khống chế tối đa 30%.
Tại DongA Bank, tính đến cuối tháng 9/2014, tỷ lệ vốn cho vay trung, dài hạn chiếm 45% tổng dư nợ. ACB vốn cho vay trung, dài hạn khoảng 47% tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9, vì hầu hết cho vay cá nhân là trung và dài hạn. Sacombank cho biết dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, phần lớn cũng nhờ đóng góp từ khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình và tiểu thương.
Những đối tượng này hầu hết đều vay với thời hạn lên đến 15 - 20 năm, nhưng nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần là ngắn hạn (chiếm trên 85%). "Nhu cầu vốn của khách hàng vẫn đang tăng, nhất là trước tình hình thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên. Do đó, việc nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 60% là cần thiết", đại diện Sacombank chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ chủ trương nới tỷ lệ từ 30% lên 60% vì cho rằng nó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kéo giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn. Hiện nay lãi suất trung, dài hạn dao động trên dưới 11%. Khi tăng cung từ vốn huy động ngắn hạn, có lãi suất thấp để cho vay trung, dài hạn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất.
"Điều này là cần thiết, giúp các doanh nghiệp làm ăn tốt có cơ hội tiếp cận vốn để đầu tư và tái cơ cấu hiệu quả", ông nói.
Chung quan điểm, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước nhìn nhận nâng tỷ lệ sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng có thanh khoản tốt về nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Phước phân tích thêm, vốn ngắn hạn chiếm áp đảo nhưng lượng vốn này liên tục tăng lên qua từng năm chứng tỏ rằng đây là một dòng vốn tương đối ổn định. Đó là cơ sở để các tổ chức tín dụng có thể cơ cấu lại nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn một cách phù hợp.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ 60% theo Thông tư 36 không hoàn toàn là tăng gấp đôi so với tỷ lệ 30% quy định tại Thông tư 15 ban hành năm 2009. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn trong Thông tư 15 được tính theo công thức: [(A-B)/C]x100%. Trong đó A là tổng dư nợ cho vay trung dài hạn, B là tổng nguồn vốn trung dài hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn sau khi trừ các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu quỹ hay tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác có thời hạn trên 12 tháng; còn C là tổng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn.
Trong khi đó, tại Thông tư 36, tỷ lệ 60% được tính dựa trên công thức B/C*100%. Trong đó, B là tổng dư nợ cho vay trung dài hạn trừ tổng nguồn vốn trung dài hạn, còn C là tổng nguồn vốn ngắn hạn.
Theo ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Thông tư 36 định nghĩa các khoản cho vay trung và dài hạn cũng như nguồn vốn huy động ngắn hạn phù hợp với thực tế hơn. Trước đó, thông tư 15 ban hành năm 2009 chỉ quy định thế nào là nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn, còn nay thì quy định rất cụ thể. "Việc điều chỉnh này sẽ giúp các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý theo dõi chính xác hơn dòng vốn tín dụng và đảm bảo an toàn", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Cũng theo ông Anh, tỷ lệ mới này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn phải trong phạm vi kiểm soát, gắn với an toàn thanh khoản, lành mạnh của hệ thống.Ngân hàng Nhà nước cũng đặt điều kiện các ngân hàng thương mại phải tăng tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày (tài sản có tính thanh khoản cao so với dòng tiền ra trong 30 ngày tiếp theo) lên 50%, thay vì 15% như trước đây.
"Nâng tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn lên nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng tính toán để không gây xáo trộn trong hoạt động, bảo đảm khả năng thanh khoản, chi trả của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài", ông Huyền Anh cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế lý giải, về nguyên tắc, huy động kỳ hạn nào thì tương ứng phải cho vay kỳ hạn đó, còn dùng nguồn ngắn hạn để đầu tư cho tài sản dài hạn là rất nguy hiểm. Do đó, việc nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 60% (dù tính theo công thức mới), ngân hàng cũng cần phải hết sức thận trọng.
Vì theo ông Hiếu, hiện nay thanh khoản ngân hàng đang thừa nên còn thoải mái được, nhưng nếu kinh tế diễn biến bất thường hoặc bất ngờ người dân đồng loạt đến rút tiền, khi đó các nhà băng sẽ phải đôn đáo chạy sang thị trường 2 vay mượn để chi trả cho dân chúng và nguy cơ mất thanh khoản, đổ vỡ hệ thống là rất lớn.
Lời cảnh báo này rất đáng lưu ý. Còn nhớ cách đây gần 5 năm, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Vào thời điểm đó, tín dụng tăng trưởng ở mức khá cao 20 - 30%, thậm chí hơn. Thực tế đã có ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản với thời hạn dài, bởi thị trường địa ốc khi đó đang tăng trưởng nóng.
Trước xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ lượng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% kể từ tháng 1/2010 như một chốt chặn rủi ro thanh khoản của hệ thống. Thế nhưng, với tỷ lệ 30% này vẫn có thời điểm (năm 2011) nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất lên đến 36%, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động vốn LDR thường xuyên vượt 100% (sau hàng loạt động thái chấn chỉnh mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ lệ này đã được giảm xuống quanh 80%).
Do đó, ông Hiếu khuyến nghị các ngân hàng không nên sử dụng tối đa tỷ lệ này, mà nên có hạn mức báo động trước 60%. Ngoài ra, khi tăng trưởng tín dụng đã ổn định, các ngân hàng cân đối được tài sản có và tài sản nợ, cơ quan quản lý cần xem xét lại tỷ lệ 60%.