Đâu đó, đã có những hợp đồng tín dụng lớn giữa ngân hàng gốc quốc doanh với tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nếu dùng "đòn bẩy tín dụng" qua nhóm ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh thì tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy lên nhanh chóng vì nhóm ngân hàng này hiện chiếm hơn 60% thị phần trên thị trường tín dụng. Lặp lại bài này như năm ngoái, giới ngân hàng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% vào cuối năm vẫn có thể đạt được.
Nhưng với khối ngân hàng cổ phần, thì tín dụng thật (không phải tín dụng tăng trưởng bằng kỹ thuật) khó tăng trưởng mạnh.
Thứ nhất, như tổng giám đốc một ngân hàng nói: "Những dự án, doanh nghiệp cho vay được thì chúng tôi đã cho vay rồi, họ vẫn là khách hàng từ trước tới nay. Quyết định cho vay luôn dựa vào lòng tin về sự phát triển của doanh nghiệp và dòng tiền về trong tương lai. Làm sao ngân hàng bỗng dưng đang nghi ngờ trở nên tin cậy rằng dự án kinh doanh đã tốt lên mà đổ vốn ra được.
Tín dụng chỉ thực sự tăng trưởng nếu kinh tế vĩ mô đi vào chu kỳ phát triển ổn định, doanh nghiệp lấy lại sức thật". Ông còn bình luận: "Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng, doanh nghiệp thì niềm tin kinh doanh chưa trở lại thực sự và tôi cho rằng tín dụng thật sẽ tiếp tục được đẩy ra nhỏ giọt chứ không thể đột biến.
Thứ hai, việc khuyến khích cho vay tín chấp của Ngân hàng Nhà nước, theo tổng giám đốc ngân hàng nói trên, chỉ tạo một thuận lợi là giúp các ngân hàng thêm động lực để đi sâu vào tín dụng tiêu dùng. Với các ngân hàng có công ty tài chính, đẩy vốn qua cổng công ty này để cho vay tiêu dùng sẽ dễ hơn nhiều so với cho vay qua cổng chính của ngân hàng vì tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng và công ty tài chính khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý là tín dụng tín chấp tiêu dùng không phải là không có rủi ro, không có nợ xấu.
Thực ra các quy định cho vay tín chấp đã có. Trong cho vay tín chấp, khả năng đoán định về năng lực thu hồi nợ của người cho vay rất quan trọng nên không thể tác động bằng mệnh lệnh hành chính. Thời gian này các ngân hàng dự đoán vay tín chấp giảm chứ khó có thể tăng lên bởi vay tín chấp dựa trên niềm tin nhiều hơn so với các hình thức cho vay khác.
Bên cạnh đó, nếu cho vay tín chấp quá nhiều, các ngân hàng càng ôm vào mình mối lo mang tên trích lập dự phòng rủi ro vì với tín chấp, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khi khoản nợ trở thành quá hạn là 100%. Trích lập dự phòng rủi ro tính trên giá trị khoản nợ trừ đi giá trị tài sản bảo đảm.
Thứ ba, lãnh đạo một ngân hàng khác nói,"trái phiếu ở Việt Nam thực ra chính là tín dụng, bởi người mua trái phiếu đều là ngân hàng. Thay vì cho vay bằng hợp đồng tín dụng, ngân hàng đẩy tiền ra qua con đường trái phiếu và thường giữ đến khi đáo hạn".
"Tín dụng trái phiếu" thời gian tới sẽ giảm bởi tỷ lệ nắm giữ trái phiếu trên tổng tài sản của các ngân hàng đã lên rất cao. Nếu những năm trước, tỷ lệ này khoảng 10% thì hiện nay, con số này ở nhiều ngân hàng lên tới 30%. "Với chúng tôi tỷ lệ 15% là ngưỡng an toàn. Vì đã chạm ngưỡng này nên thời gian tới chúng tôi sẽ giảm tốc độ mua", phó tổng giám đốc một ngân hàng tiết lộ.
Các ý kiến khác cho rằng từ nay đến cuối năm, chỉ còn số ít ngân hàng có nguồn vốn rẻ mới tiếp tục mua trái phiếu chính phủ. Lợi suất trái phiếu chính phủ dường như đã chạm đáy khiến một số ngân hàng thậm chí đã phải bán bớt chốt lời.
"Tín dụng tăng bao nhiêu, đạt chỉ tiêu hay không với chúng tôi không có ý nghĩa nhiều. Bởi có tăng 5% nhưng mà vào đúng chỗ, thực chất còn hơn tăng gấp vài lần mà vẫn phải chạy theo dọn dẹp. Nếu "bắt" tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá, nó sẽ quay lại câu chuyện tín dụng biểu diễn hay tín dụng thực chất.
Cơ quan quản lý thừa biết tín dụng đang tắc ở đâu, nên điều quan trọng hơn cả là cần tạo cơ chế tốt hơn để hoạt động kinh doanh và tín dụng tăng trưởng thực chất", quan điểm của một lãnh đạo ngân hàng cổ phần đề nghị giấu tên dường như mang tính đại diện cho giới ngân hàng, ít ra là giới… cổ phần.